Tại hội nghị, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Công thương và các Sở Công thương đã báo cáo Thủ tướng tình hình sản xuất, kinh doanh, chỉ đạo, điều hành và nêu nhiều giải pháp, cũng như các kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu năm 2014.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu, tính nghiêm túc trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành trong chín tháng của năm 2014 trên các lĩnh vực. Các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra đều có bước hoàn thành, tăng trưởng, nhìn chung cao hơn cùng kỳ, khá đồng đều, toàn diện, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công thương cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, đó là ban hành chính sách, cơ chế, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội...; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, cạnh tranh minh bạch hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn để nền kinh tế hiệu quả hơn; tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Bộ Công thương cố gắng không để tình trạng nợ văn bản pháp quy, trên cơ sở đó, xem xét thẩm quyền quản lý nhà nước, chỗ nào đang vướng mắc thì ban hành thông tư tháo gỡ. Điểm nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Sở Công thương các địa phương cũng thực hiện với tinh thần đó để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.
Kiên quyết thực hiện giá bán các mặt hàng thiết yếu như than, xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường với nguyên tắc là hàng hóa không được bán dưới giá thành. Riêng phần giá điện cho hộ nghèo thì đó là chính sách xã hội và Chính phủ sẽ lo. Việc này cần được thực hiện công khai, minh bạch về chi phí, giá thành, lợi nhuận, để nhân dân hiểu và đồng thuận. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Công thương tích cực mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Đối với trong nước, đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Mở rộng được thị trường ngoài nước là tăng được kim ngạch xuất khẩu; khai thác tốt nhất các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, sớm kết thúc đàm phán FTA với những đối tác khác; đồng thời, đấu tranh chống rào cản kỹ thuật, việc áp thuế chống bán phá giá của các nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Công thương phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công thương thông qua cơ chế, chính sách, quy hoạch... theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng. Các ngành sản xuất như điện lực, than phải đẩy nhanh tái cơ cấu để tạo ra năng suất lao động cao hơn; các ngành khác phải giảm dần gia công, lắp ráp, không sử dụng công nghệ cũ. Thủ tướng khẳng định, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là để doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả DN. Cùng với đó là chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Ngành Công thương cần thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Mở rộng thị trường ngoài nước rất có ý nghĩa; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, theo đó, những thủ tục nào gây phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DN, người dân thì phải kiên quyết bỏ hoặc sửa đổi trên tinh thần quản lý chặt chẽ nhưng phải thuận lợi, thông thoáng...
Tính chung chín tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất, phân phối điện, công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình toàn ngành (11,2% và 8,3%). Về tiêu thụ sản phẩm, tính đến hết tháng 8, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm 2014, IIP tăng 7 đến 7,2%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 148 tỷ USD, tăng 12%; kim ngạch nhập khẩu ước 146,5 tỷ USD; xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12% so năm 2013... |