Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao vừa ban hành các Quyết định công nhận xã Điền Lộc (huyện Phong Điền), xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và xã Sơn Thủy (huyện A Lưới) đạt chuẩn nông thôn mới.
Như vậy, trong tổng số 92 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu trong năm 2017 tăng thêm 10 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 33 xã, đạt tỷ lệ 32%.
Thực hiện chương trình xây dựng mới, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động các nguồn vốn đầu tư cho chương trình 5.119 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư từ ngân sách 977,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 922 tỷ đồng, vốn tín dụng 2.174 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp 296 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và huy động khác 750 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới, do khó khăn về nguồn vốn nhất là vốn đối ứng các công trình, vốn huy động trong dân nên tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn diễn ra. Tính đến thời điểm hiện tai, số nợ đọng xây dựng cơ bản chương trình nông thôn mới toàn tỉnh là 83 tỷ đồng. Trong đó, phần ngân sách Trung ương và tỉnh là 15,5 tỷ đồng, phần còn lại 68 tỷ đồng là ngân sách huyện, xã.
Nguyên nhân nợ đọng do một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới quá cao so với thực tế trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách hàng năm phân bổ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế nên đã tạo áp lực các xã phấn đấu đạt chuẩn; vốn đối ứng địa phương phải bỏ ra kinh phí nâng cấp, giải phóng mặt bằng khoảng từ 10-30% tổng mức đầu tư công trình cũng làm nợ vốn đối ứng của cấp huyện, xã tăng lên.
Ngoài ra, một số hạ tầng thiết yếu như nghĩa trang nhân dân, công trình vệ sinh môi trường nông thôn, điện, chợ, khu thể thao… có trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới nhưng Trung ương chưa quy định hỗ trợ phần vốn nào từ ngân sách Trung ương để thực hiện nên cũng tạo áp lực lên ngân sách địa phương.
Khắc phục tình trạng nợ và hạn chế tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nghiêm túc việc giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản chương trình nông thôn mới đảm bảo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Bố trí thanh toán cho các dự án hoàn thành đã quyết toán và các dự án đã hoàn thành, các dự án chuyển tiếp, còn lại mới bố trí vốn cho các dự án mới. Tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư không được yêu cầu doanh nghiệp tự ứng trước vốn thực hiện các dự án ngoài kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, nhất là của người dân để người dân thấy xây dựng nông thôn mới là quyền lợi thiết thực của mình, chính quyền chỉ hỗ trợ, dẫn dắt, còn người dân mới là chủ thể.
Trước mắt, tỉnh tập trung xử lý nợ đong, chỉ ưu tiên khởi công những công tình thiết yếu trong nông thôn, nhất là hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập, nâng cao sức sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao trong nông thôn...
Theo Quốc Việt (TTXVN)