Thăm cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng ở xã Hồng Phong.
Trong chương trình XDNTM, phát triển kinh tế nông nghiệp luôn được cấp ủy, chính quyền xã Hồng Phong coi trọng hàng đầu. Hàng năm, UBND xã chỉ đạo các ngành, thôn xây dựng kế hoạch sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung. Từ điều kiện thực tiễn của địa phương, xã đẩy mạnh mô hình sản xuất gạo nếp cái hoa vàng. Đây cũng là sản phẩm được Thị xã Đông Triều lựa chọn đưa vào chương trình “mỗi làng một sản phẩm” (OCOP), phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Hồng Phong là một trong những địa phương có quy mô sản xuất nếp cái hoa vàng lớn, toàn xã có 122,7ha sản xuất nếp cái hoa vàng, trong đó 50ha quy hoạch vùng sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm. Những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ chính quyền các cấp về phòng trừ sâu bệnh, lịch gieo cấy, mô hình sản xuất nếp cái hoa vàng của xã đã mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Quang Hồng, người dân thôn Triều Khê, chia sẻ: “Gia đình sản xuất nếp cái hoa vàng đã nhiều năm, trước đây năng suất rất thấp. Những năm gần đây, bà con được chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và chỉ đạo, kiểm tra sát sao, nhờ vậy năng suất lúa dần được cải thiện, vụ vừa rồi gia đình cấy 3 sào, năng suất đạt 1,8 tạ/sào, tương đương 4,8 tấn/ha”.
Nếp cái hoa vàng là giống lúa cổ truyền được nông dân trên địa bàn xã sản xuất nhiều năm nay, sau khi xác định đây là sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở những yếu tố về lợi thế, chi phí sản xuất thấp, chất lượng gạo ngon, không đòi hỏi cao về khoa học kỹ thuật và phù hợp với đồng đất của địa phương.
Gia đình anh Nguyễn Văn Năm, ở thôn Bình Lục Thượng, không giấu được niềm vui vì trong vụ nếp cái hoa vàng vừa qua, anh thu được trên 2 tấn thóc, trị giá gần 50 triệu đồng. Anh Năm cho biết: “Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng nếp cái hoa vàng tuy không so được với loại hình công nghiệp dịch vụ khác nhưng so với trồng lúa đơn thuần như vậy là thắng lợi rồi”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, cho biết: “Phải khẳng định, nếp cái hoa vàng đã và đang mang lại giá trị cao cho nông dân, bởi cung luôn không đủ cầu, bà con không phải lo đầu ra. Kết quả này có được là nhờ sự tác động lớn của Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản nếp cái hoa vàng của Thị xã Đông Triều. Gạo nếp cái hoa vàng có ưu điểm thơm, dẻo, đậm đà, hạt đầy tròn, không vỡ, khi nấu cơm hạt rất trong, mềm nhưng không hề nát, để lâu sau khi chế biến cũng không đổi vị nên từ xa xưa người dân đã ưa dùng. Nhờ việc thị xã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu kết hợp với xúc tiến thương mại mà sản phẩm này ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Trước khi có thương hiệu sản phẩm, giá bán trên thị trường mặc dù có cao hơn sản phẩm cùng loại, song cũng chỉ chênh lệch 2 - 3 giá nhưng hiện nay chỉ số chênh lệch của sản phẩm này với loại thông thường đã tăng lên 7 - 10 giá, lúc cao điểm có thể lên đến 15 giá, góp phần tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con nông dân”.
Thực tế cho thấy, từ xã còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nguồn thu nhập còn hạn chế, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Những kết quả đạt được trong XDNTM ở Hồng Phong là rất đáng trân trọng, thành quả đó là sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ xã cùng toàn thể nhân dân đoàn kết một lòng xây dựng quê hương Hồng Phong ngày càng phát triển.
Xã Hồng Phong nằm ở phía Tây Nam Thị xã Đông Triều, diện tích tự nhiên 731,86ha, trong đó có 400,29ha đất nông nghiệp. Toàn xã có 2.446 hộ gia đình, 8.440 nhân khẩu, được chia thành 7 thôn. Hết năm 2015, 7/7 thôn đã được UBND Thị xã công nhận là thôn đạt chuẩn NTM; Đảng bộ có 12 chi bộ trực thuộc, trên 300 đảng viên. |
Theo Đức Sơn/ Kinh tế nông thôn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn