Ảnh minh họa. Phơi tỏi vừa thu hoạch ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước
Một ví dụ điển hình: Nhắc đến tỏi Việt Nam, bất cứ người tiêu dùng nào cũng nhớ ngay đến tỏi Lý Sơn. Nhưng ít ai biết rằng, ở mảnh đất Khánh Hòa cũng có loại tỏi này với hàm lượng hoạt chất và công dụng không hề thua kém.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa - cho biết, tỏi Khánh Hòa đã được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) kiểm nghiệm, phân tích 3 chỉ tiêu là tinh dầu, alicin, axit piruvic đều cho kết quả tốt.
Các chuyên gia của viện cũng khẳng định tỏi Khánh Hòa tốt thứ ba thế giới. Nhiều doanh nghiệp nghe thông tin đó đã đến đây tìm hiểu, lấy mẫu để đi chào hàng.
Hơn nữa, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, với năng suất trung bình 8 tấn/ha, tổng năng suất tỏi của Khánh Hòa đạt 10.000 tấn tỏi tươi và gần 4.550 tấn tỏi khô/năm, cao gấp ba lần Lý Sơn. Về diện tích, Khánh Hòa có khoảng 600 ha trồng tỏi, cũng nhiều gấp đôi Lý Sơn.
Có mặt ở vùng đất duyên hải miền Trung hơn 20 năm, tuy với chất lượng và số lượng cao như vậy, nhưng hiện nay tỏi Khánh Hòa phải “sống nhờ” cái danh tỏi Lý Sơn mới bán được giá cao, vì hình dáng bên ngoài hai loại tỏi này giống hệt nhau, khó lòng phân biệt. Ngay tại Khánh Hòa, nhiều siêu thị, chợ truyền thống bán tỏi Khánh Hòa nhưng gắn mác tỏi Lý Sơn.
Bởi vậy, có được thương hiệu riêng để tự đứng, tự sống là mong mỏi thiết tha của nông dân trồng tỏi Khánh Hòa. Và đây cũng là một trong những nền tảng quan trọng để địa phương xây dựng vùng tỏi chuyên canh theo hướng phát triển bền vững.
Một câu chuyện ở góc độ khác: Nhiều nông sản của Đà Lạt, Hà Giang, Hòa Bình, Ninh Thuận… nức tiếng trên thị trường với dâu tây, hồng, khoai lang, cam, nho, táo… đang bị hàng Trung Quốc “nhái” thương hiệu của mình. Mẫu mã giống y chang nhưng chất lượng kém, thậm chí còn chứa nhiều loại hóa chất, gây nguy cơ bệnh tật cao, những mặt hàng nông sản “nhái” đang làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín các thương hiệu “chính chủ” Việt.
Thế mới thấy, xây dựng được thương hiệu đã khó, bảo vệ và giữ gìn thương hiệu càng khó hơn. Nhưng có lẽ, khó mấy cũng phải làm, vì nếu không xây dựng được thương hiệu gắn với đặc sản địa phương, nhiều mặt hàng nông sản Việt sao có thể tự đứng vững ngay trên thị trường Việt và vươn ra nước ngoài?
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn