Đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Nỗ lực hoàn thành XDNTM
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thụy Hòa, cho biết: Bước vào XDNTM, qua rà soát đánh giá, xã cơ bản đạt 11/19 tiêu chí. Trong sản xuất nông nghiệp, xã vẫn đơn thuần độc canh cây lúa, nguồn thu ngân sách chủ yếu trông vào sự cân đối điều tiết của ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên. Vốn ngân sách xã chưa đáp ứng được nhu cầu công việc trong XDNTM. Tuy nhiên, khi ý Đảng hợp lòng dân, với sự đồng thuận nhất trí cao của toàn thể cán bộ, nhân dân, Thụy Hòa là một trong 3 xã của huyện Yên Phong hoàn thành chương trình XDNTM trong năm 2015.
Là xã đầu tiên trong huyện hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, chính quyền xã Thụy Hòa đã tập trung chỉ đạo, quan tâm đầu tư kinh phí, mở rộng diện tích lúa lai, lúa hàng hoá, từ đó nâng cao năng suất lúa và giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện, diện tích lúa hàng hóa chiếm 65% diện tích canh tác của xã. Đàn gia súc, gia cầm tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là đàn bò lai, lợn hướng nạc đã được nhân dân chú trọng đầu tư theo hướng hàng hóa, năm 2015 số lượng trâu, bò, lợn xuất chuồng tăng 10-15%. Toàn xã có 21ha phát triển theo mô hình kinh tế VAC cho hiệu quả kinh tế cao; mỗi năm thu hoạch 168 tấn cá, thu về hàng tỉ đồng.
Trong phong trào XDNTM, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể… đóng vai trò quan trọng, nhất là vai trò của trưởng thôn, bí thư chi bộ, những người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện. Khi triển khai chương trình, đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con trong thôn xây dựng, đóng góp công sức, tiền của để làm đường, ngõ như ông Nguyễn Đình Đích, Bí thư Chi bộ thôn Lạc Nhuế; ông Trần Đình Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Đông Tảo…
Nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Cường cho biết thêm, để nâng cao thu nhập cho nhân dân, các cơ chế, chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp được xã bổ sung, sửa đổi kịp thời theo hướng mở rộng đối tượng, nâng cao mức hỗ trợ trong Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa đạt kết quả cao.
Do đặc thù là xã thuần nông nên việc đưa nghề mới vào địa phương là hết sức khó khăn. Tuy vậy, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Thụy Hòa vẫn tạo điều kiện và phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy nghề như mây tre đan xuất khẩu (hơn 100 hộ duy trì nghề); làm nấm rơm, may mặc, hàn xì, thợ mộc… Hiện, Thụy Hòa có trên 100 hộ buôn bán hàng hóa dịch vụ nhỏ, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/hộ/tháng. Thu nhập từ ngành nghề dịch vụ việc làm, lao động trong các khu công nghiệp hiện chiếm khoảng 75% kinh tế hộ. Đời sống của nhân dân ngày càng ổn định và phát triển, số hộ giàu và khá tăng, hộ nghèo giảm (còn 2,2% theo tiêu chí mới).
Hy vọng, với sự đồng thuận, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, thời gian tới, Thụy Hòa tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực, nâng cao các tiêu chí NTM.
Năm 2015, tổng thu nhập của Thụy Hòa ước đạt 295 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 36,45 triệu đồng/người, tăng gấp 2,43 lần so với năm 2010. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn