Biến động xuất khẩu
Kết thúc năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm trước. Trong đó, 3 sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực là tôm giảm, cá tra và cá ngừ đều giảm. Đáng lo ngại là các thị trường tiêu thụ đang có nhiều dấu hiệu tiêu cực, có đến 163/164 thị trường kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, trừ thị trường ASEAN.
Nguyên nhân được cho là sự biến động về tỷ giá khiến cho lợi nhuận của các công ty Việt Nam giảm và các doanh nghiệp xuất khẩu cầm chừng. USD tăng giá mạnh, Euro và Yên Nhật mất giá khiến thị trường xuất khẩu đảo lộn. Nhưng đâu mới là nguyên nhân chính?
Giá các đồng ngoại tệ mạnh thay đổi ảnh hưởng đến nhiều quốc gia đang phát triển ngành xuất khẩu thủy sản chứ không riêng Việt Nam, do đó không thể lấy nguyên nhân này để “đổ thừa” cho tình trạng xuất khẩu giảm. Dễ thấy hơn, là sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới. Nếu trước kia cá tra của Việt Nam hầu như “không đối thủ” hay tôm sú Việt Nam là một thương hiệu lớn; thì nay đều gặp sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng khác cùng thị phần. Song vấn đề ở chỗ giá thành sản xuất của ngành thủy sản Việt Nam luôn ở mức cao.Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Năm 2015, xuất khẩu cá tra giảm 10% so năm 2014 - Ảnh: Ngọc Trinh
Tích cực hội nhập
2015 được xem là một năm thành công về hội nhập trên lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng. Tin vui từ thị trường Mỹ khi thuế chống bán phá giá tôm giảm, mức thuế trung bình 0,91% giảm mạnh so mức 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8 thuận lợi cho tôm Việt Nam vào Mỹ.
Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều ý kiến lo ngại người dân sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia; nhưng Bộ Ngoại giao khẳng định, với việc Việt Nam đã ký FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu, kết thúc đàm phán FTA với EU và Hiệp định TPP…; Việt Nam đã đảm bảo được các thị trường rộng lớn, giúp người dân tiêu thụ tốt sản phẩm, trong đó có thủy sản. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro (10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 500 triệu USD nhưng chỉ khoảng 10% sản phẩm thủy sản được đưa vào nhà hàng, còn lại phần lớn tiêu thụ nội địa và vào mục đích khác).
Vấn đề chất lượng
Theo báo cáo của Cục Thú y, 10 tháng đầu năm 2015, hơn 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các nước trả về do vi phạm quy định nhập khẩu. Nhiều thị trường đã phản ứng dứt khoát với sản phẩm vi phạm, như Tây Ban Nha, Australia, Đức. Mặc dù được đánh giá là giảm nhiều so với các năm trước, nhưng nhìn chung thương hiệu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng đáng kể trong mấy năm qua.
Cùng đó, đến nay mới có 15 tỉnh phê duyệt kinh phí cho chương trình giám sát dịch bệnh và chất lượng thủy sản nuôi, với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng cho năm 2016. Việc không kiểm soát dịch bệnh từ gốc, không quyết liệt từ địa phương đã khiến ngành xuất khẩu lao đao.
Dịch bệnh hoành hành, theo nhiều chuyên gia, do nhiều địa phương đã chủ quan cho rằng dịch bệnh đã được khống chế và điều đó có nghĩa dịch bệnh trên tôm đã được giải quyết. Trong khi, chính các nhà khoa học từng tìm ra căn bệnh thế kỷ của tôm cũng cho biết việc phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh và phương pháp phòng chống bệnh trên tôm mới chỉ là bước đầu, việc phòng chống bệnh cho tôm phải được triển khai hằng ngày, trong đó, các biện pháp sử dụng vi sinh, nuôi trồng bền vững là giải pháp lâu dài.
Giải pháp đồng bộ
Năm 2016, hy vọng sẽ khởi sắc về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) khi Luật Thú y có hiệu lực (từ 1/7/2016). Việc tổ chức lại bộ máy, nhân sự cũng như kinh phí hy vọng sẽ tạo ra chuyển biến trong vệ sinh ATTP thủy sản. Thực chất lâu nay, đa số sản phẩm bị phát hiện kém chất lượng trả về là do các thị trường, các nhà nhập khẩu nước ngoài phát hiện. Trách nhiệm ngành thú y trong kiểm định, đánh giá chất lượng nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu chưa cao.
Các chuyên gia đều dự báo kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2016, thậm chí 2017. Để đối phó, các doanh nghiệp đều mong chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung, trong đó giải pháp vốn là yêu cầu đầu tiên. Để bước vào chu kỳ sản xuất mới, các doanh nghiệp đều muốn có dòng vốn lãi suất thấp hơn và tăng hạn mức tín dụng cũng như thời gian cho vay.
Nhiều doanh nghiệp và người nuôi trồng cũng mong có giải pháp để tránh hiện tượng “lợi ích nhóm”; cùng đó, để giảm giá thành sản xuất, cần phải có sự liên kết và lợi nhuận phải được chia đều cho mọi khâu từ sản xuất đến xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài cùng chung sức để giảm giá thành vì thương hiệu chung thủy sản Việt Nam.
>> Năm 2015, VASEP dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2015. Để đạt được con số này, ngành thủy sản sẽ phải tận dụng tốt các cơ hội và hóa giải sớm những thách thức. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn