Nhiều người dân đã dùng từ “nhỏ giọt” để chỉ về nguồn vốn tín dụng dành cho chăn nuôi. Rất nhiều gia đình theo đuổi nghề chăn nuôi, đang đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, nhưng việc tiếp cận vốn vay không dễ dàng, vì tài sản thế chấp không nhiều, thậm chí nhiều hộ phải vay nợ ở ngoài với lãi suất cao.
Đầu tư chăn nuôi, nhiều hộ dân thiếu vốn
Đặc điểm của ngành chăn nuôi Việt Nam là xuất phát từ chăn nuôi nông hộ, lạc hậu và cơ sở vật chất không có gì, ngày nay chuyển sang mô hình trang trại, đa số các chủ trang trại đều phải đầu tư mới cơ sở vật chất rất tốn kém. V
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Điều đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn 1,53%, thấp hơn so với nợ xấu toàn nền kinh tế. Trung bình nợ quá hạn chỉ 0,32%. Tuy vậy, việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn. Các hộ gia đình cho biết mặc dù đầu tư vào trang trại hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, nhưng tài sản là chuồng trại không được tính làm tài sản thế chấp, do vậy người dân chỉ có thể vay lượng vốn tương đương 10 - 20% nhu cầu đầu tư.
Thời gian vừa qua dư luận đề cập nhiều tới việc giá thành chăn nuôi của Việt Nam, điển hình như bò, gà, heo đều khá cao so với mặt bằng thế giới và đó là một trong những nguyên nhân “thịt ngoại lấn thịt nội”.
Người trong cuộc đều cho rằng việc tiếp cận vốn vay sẽ quyết định nhiều đến giá thành. Đa số người nông dân các nước, trong ngành chăn nuôi được tiếp cận nguồn vốn lãi suất rất thấp, chỉ 2 - 3%/năm, trong khi người chăn nuôi Việt Nam vẫn còn phải chịu lãi suất xấp xỉ 10% .
Việt Nam có 11,3 triệu hộ nông dân thì 7 triệu hộ chăn nuôi gà, 4 triệu hộ nuôi heo, 2,5 triệu hộ nuôi vịt. Rõ ràng việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất cao gấp 2 - 3 lần những người nuôi của các nước sẽ là một gánh nặng không nhỏ đối với người nuôi gia súc, gia cầm Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu thị trường đều ước tính, giá thịt gà, thịt heo trong nước hiện đều cao gấp 2 - 3 lần so với giá một số nước trên thế giới.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam và các trang trại đã phải bỏ ra nguồn vốn rất lớn để hiện đại hóa ngành chăn nuôi trong thời gian qua. Người ta không ngạc nhiên thấy các dự án nghìn tỷ trong ngành chăn nuôi. Điển hình là dự án chăn nuôi bò ở Bình Định với quy mô tổng diện tích dự án khoảng 5.080 ha đất có tổng vốn đầu tư lên đến 3.600 tỷ đồng với quy mô 100.000 con bò (bò giống 40.000 con; bò thịt 60.000 con).
Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế. Tuy vậy, so với sự phát triển “nóng” của ngành chăn nuôi thì vấn đề vốn vẫn rất nan giải. Mặc dù đang đầu tư lớn, song ngành chăn nuôi thực sự chưa đem nhiều lợi nhuận do đang ở thời kỳ đầu tư kiến thiết cơ bản.
Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư lĩnh vực chăn nuôi với hơn 1.400 tỷ đồng song vẫn chưa có lãi. Dự kiến đến năm 2018 tập đoàn này mới có thể thu những đồng lợi nhuận đầu tiên từ chăn nuôi. Bí quyết của họ là giảm thấp nhất giá thành để tăng sức cạnh tranh bằng việc tự sản xuất thức ăn để phục vụ chăn nuôi.
Đặc thù của nền chăn nuôi Việt Nam là toàn dân chăn nuôi và hàng chục triệu hộ tham gia chăn nuôi hiện nay đều có nguồn vốn rất khiêm tốn. Khi chuyển sang chăn nuôi công nghiệp, họ sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi, nếu không tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp.
Nếu các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát có thể “lấy thu bù chi” bằng việc sản xuất sản lượng lớn và khép kín, thì đa số người nông dân phải bỏ vốn mua con giống, mua thức ăn, tự đầu tư chuồng trại… tất cả phải dùng đến vốn tự có và vốn vay.
Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường thịt trị giá 18 tỷ USD của Việt Nam sẽ dần chịu sự chi phối của các tập đoàn nước ngoài. Với ưu thế về vốn lãi suất thấp, nhất là vốn trung hạn dài hạn dồi dào, các doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh tại Việt Nam sẽ có ưu thế hơn các doanh nghiệp nội và các trang trại.
Giá thịt nhập khẩu có thể thấp hơn 30% so với giá thị trường nên sản lượng thịt nhập khẩu ngày càng lớn. Người dân để duy trì sản xuất có thể sẽ phải “dựa” vào nguồn vốn của các công ty nước ngoài như mua trả chậm con giống, thức ăn, thậm chí chuyển sang “nuôi gia công” cho các tập đoàn nước ngoài.
Phần lớn người nuôi và doanh nghiệp đều cho rằng để giảm giá thành chăn nuôi, sẽ cần đến một chính sách tín dụng lãi suất hợp lý, dễ tiếp cận, để hàng chục triệu hộ chăn nuôi có thể hưởng lợi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững hiệu quả, giúp phát triển theo hướng cung ứng các sản phẩm giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Vai trò điều hành của nhà nước về tín dụngTheo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2017, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, bao gồm cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, trước hết ngành chăn nuôi phải cho lợi nhuận hấp dẫn, có độ an toàn cao hơn và thị trường rộng mở hơn, thương hiệu ngành chăn nuôi phải ngày càng vững mạnh. Các ngân hàng nước ngoài cho biết họ cũng rất quan tâm đến ngành nông nghiệp, song đa số khách hàng của họ vẫn là các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh trong ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho ngành chăn nuôi, những gói tín dụng ưu đãi nhằm kích thích sự phát triển của ngành, tạo ra những bước ngoặt trong đầu tư là điều cần thiết. Và những chính sách của nhà nước ưu đãi về các khoản thuế cũng giúp các doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn đầu tư cơ bản rất tốn kém và chưa sinh lời. Khi giá trị của ngành chăn nuôi tăng lên, lợi nhuận ngày càng cao hơn, sản phẩm ngành chăn nuôi chiếm lĩnh thị trường, chắc chắn việc tiếp cận vốn vay của người chăn nuôi sẽ dần dễ dàng hơn. NA |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn