Một giờ lên lớp của thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Tiên Yên, một trong những trường đạt chuẩn quốc gia có chất lượng tốt nhất huyện Tiên Yên.
Ông có thể đánh giá khái quát những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội mà Tiên Yên đạt được trong những năm qua?
Điểm nổi bật đầu tiên cần nhắc đến là kinh tế liên tục có sự tăng trưởng qua các năm, giá trị sản xuất tăng 11,9%/năm, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10,8%/năm, thu nhập bình quân năm 2015 ước đạt 1.550 USD/người, tăng 2,56 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm 10,2%; thương mại, dịch vụ tăng 13,5%. Ngay nội bộ ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 48%, tăng 13,7% so với năm 2010. Một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của huyện bước đầu đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành thương hiệu, nhãn hiệu như: tôm thẻ chân trắng, gà Tiên Yên, mật ong Tiên Yên, trứng vịt biển Đồng Rui, miến dong Tiên Yên… Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 29,17% (năm 2010) xuống còn 2,81% (năm 2015 theo chuẩn nghèo cũ), đến cuối năm 2016 còn 5,75% theo tiêu chí mới.
Đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 đạt 2.751 tỷ đồng, trong đó đã huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, mở rộng không gian và chỉnh trang đô thị với kinh phí 1.482 tỷ đồng.
Theo ông, đâu là những điểm nhấn sáng tạo của địa phương trong Chương trình xây dựng nông thôn mới?
Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền và nhân dân hưởng ứng, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo từ cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp.
Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng đồng bộ, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; đường liên thôn, xóm được cứng hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; 100% số thôn có nhà văn hóa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; 100% số thôn có hệ thống điện đạt yêu cầu của ngành điện và trên 99% số hộ sử dụng điện lưới an toàn, ổn định; 100% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 25/34 trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo tôi, kết quả quan trọng nhất của chương trình là đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã chuyển sang tự giác, tích cực chung tay hiến đất, góp tiền và công sức để xây dựng nông thôn mới và thực sự là chủ thể triển khai thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, chương trình còn hình thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp giữa các xã, thôn và giữa các cộng đồng dân cư. Sau 5 năm, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ phải bỏ ra 1.300 tỷ đồng, vốn huy động tín dụng 546 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 184 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp 77.000 ngày công, hiến 123.000m2 đất các loại để xây dựng được hơn 350km đường giao thông các loại.
Từ chỗ huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 3 xã (Đông Hải, Hải Lạng, Tiên Lãng) cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; trung bình toàn huyện đã đạt 14 tiêu chí và 31 chỉ tiêu; 2 xã thoát khỏi Chương trình 135 là Phong Dụ và Điền Xá.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như: Xuất phát điểm trong quá trình xây dựng chương trình còn thấp; năm 2010 trung bình toàn huyện mới đạt 2 tiêu chí, 14 chỉ tiêu; có 5/11 xã nằm trong diện 135; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về chương trình chưa đầy đủ.
Để về đích nông thôn mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được, huyện Tiên Yên đề ra những giải pháp gì, thưa ông?
Tôi cho rằng, không phải cứ đạt chuẩn nông thôn mới là đã hoàn thành nhiệm vụ và hài lòng với những gì đã đạt được mà cần phải thường xuyên chỉ đạo, rà soát, đánh giá các tiêu chí để nâng cao và duy trì chất lượng các tiêu chí. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, tập trung giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo: Thủy - Nghĩa/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn