Trong bài phát biểu Khai mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là mở rộng diện bao phủ BHXH. Thưa ông, mở rộng diện bao phủ BHXH bằng cách nào?
Có 2 khu vực lao động, gồm lao động chính thức và phi chính thức. Đối với khu vực lao động chính thức, theo Luật BHXH năm 2014, chủ sử dụng lao động và lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ một tháng trở lên đã phải tham gia BHXH. Quy định thì như vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng trốn, tránh đóng bảo hiểm bắt buộc diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn lao động. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước các cấp phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt thật nghiêm tình trạng trốn, tránh đóng BHXH.
. |
Vấn đề này, theo tôi không quá khó vì đã có chế tài xử lý, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Hơn nữa, số lượng lao động chính thức ít hơn rất nhiều so với lao động phi chính thức (lực lượng lao động cả nước hiện tại là 48,4 triệu người, trong đó lao động phi chính thức chiếm khoảng 70%), vì vậy, muốn mở rộng diện bao phủ bảo hiểm và hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân như Tổng Bí thư đã đặt ra thì phải đưa hết số lao động làm việc ở khu vực lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Với khu vực lao động chính thức thì có chế tài xử lý nếu không tham gia BHXH, còn bác nông dân, chị bán xôi, anh xe ôm… làm gì có chế tài xử lý nếu họ không tham gia bảo hiểm tự nguyện?
Với lao động ở khu vực phi chính thức, cần có chính sách khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện. Hiện tại, để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện, Nhà nước đã hỗ trợ 30% mức đóng đối với hộ nghèo và 25% mức đóng với hộ cận nghèo, nhưng người nghèo, người cận nghèo thì lấy tiền đâu mà tham gia bảo hiểm. Hơn nữa, lao động nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ rất ít so với lực lượng lao động phi chính thức, nên số người tham gia bảo hiểm tự nguyện rất ít.
Muốn động viên lao động phi chính thức tham gia BHXH, theo tôi, Nhà nước phải tăng mức hỗ trợ phí đóng bảo hiểm cho hộ nghèo lên 50%, hộ cận nghèo 40%, đối tượng còn lại hỗ trợ 20-30% mức phí đóng bảo hiểm tự nguyện, đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng, khi còn sức lao động, họ trích một phần thu nhập tham gia bảo hiểm tự nguyện, khi hết tuổi lao động, ngoài được hưởng lương hưu hàng tháng, họ còn được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế như đối với người tham gia BHXH bắt buộc ở khu vực lao động chính thức.
Thưa ông, vấn đề là ngân sách nhà nước lấy đâu ra tiền để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện?
Hiện nước ta có khoảng 1,6 triệu người từ 80 tuổi trở lên, hàng năm ngân sách nhà nước phải bỏ ra 5.200 tỷ đồng trợ cấp tuổi già, cộng thêm hơn 1.000 tỷ đồng để mua bảo hiểm y tế cho đối tượng này. Nếu bây giờ ngân sách không bỏ tiền ra để hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức mua bảo hiểm tự nguyện thì 15-20 năm sau vẫn phải bỏ tiền ra để trợ cấp tuổi già và mua bảo hiểm y tế cho họ với số tiền mỗi năm một nhiều do tuổi thọ trung bình ngày một tăng. Đằng nào ngân sách cũng phải chi, tại sao không chi trước để giảm áp lực tài chính cho tương lai.
Đối với những người về hưu trước năm 1995, ngân sách nhà nước phải chi trả toàn bộ lương hưu (năm 2017 khoảng 44.000 tỷ đồng). Đối tượng này càng ngày càng giảm, ngân sách sẽ giảm chi, nên có thể lấy từ nguồn này để mua bảo hiểm tự nguyện cho lao động ở khu vực phi chính thức.
Rất nhiều người dân không tham gia BHXH tự nguyện, nhưng lại tham gia bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ. Nếu thu hút được đa phần người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện, hàng năm, ngân sách nhà nước được sử dụng hàng trăm ngàn tỷ đồng từ tiền phí bảo hiểm, số tiền này được đầu tư trở lại nền kinh tế không phải trả lãi như sử dụng tiền của doanh nghiệp bảo hiểm. Nguồn lợi từ đầu tư tiền phí bảo hiểm dùng để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Các cơ chế, chính sách trên đã đủ chưa, thưa ông?
Vẫn chưa đủ mà chúng ta còn phải xây dựng chính sách bảo hiểm tự nguyện linh hoạt hơn nữa, trong đó có việc nghiên cứu rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Luật BHXH năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ, đồng thời phải tham gia đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Quy định này không khác gì so với BHXH bắt buộc áp dụng đối với khu vực lao động chính thức và không phù hợp với thực tế cuộc sống vì như vậy đã loại hàng triệu người trên 40 tuổi đối với nam và trên 35 tuổi đối với nữ khỏi “sân chơi” bảo hiểm tự nguyện. Vì bây giờ họ tham gia thì khi đủ tuổi nghỉ hưu vẫn chưa đủ thời gian tham gia đóng bảo hiểm.
Vì vậy, theo tôi, thời gian tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện tối thiểu có thể thiết kế linh hoạt xuống 10-15 năm, ai có điều kiện, có nhu cầu có thể tham gia đóng bảo hiểm 30-35 năm để được hưởng lương hưu tối đa bằng 75% mức bình tháng đóng BHXH như đối với bảo hiểm bắt buộc. Trong trường hợp người lao động chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm không may bị chết hoặc vì lý do nào đó không tham gia nữa thì được hoàn trả lại toàn bộ số tiền họ đã đóng cộng thêm tiền lãi, không trả lại số tiền ngân sách đã hỗ trợ họ để đóng bảo hiểm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn