Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị
“Tiếp sức cho nông sản an toàn thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu” là chủ đề chính tại “Hội nghị kết nối cung cầu giữa các địa phương, nhà SX với các DN phân phối nông sản, thực phẩm tại Hà Nội” do UBND TP Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám tới dự.
Theo ông Tạ Văn Tường, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà, Hà Nội SX ra cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu còn các mặt hàng khác như gạo mới đủ 35%, thịt bò khoảng 15%, thủy hải sản đáp ứng được 5%...
Điều này cho thấy, nhu cầu về lương thực, thực phẩm “sạch” của Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên, SX nông nghiệp Thủ đô chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), minh bạch thông tin và truy xuất rõ nguồn gốc từ các tỉnh về phục vụ người dân Thủ đô và du khách. Do vậy, việc hợp tác phát triển SX, trao đổi nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, TP là rất cần thiết.
Đón đầu xu thế, 5 năm qua, Cty CP Chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) đã phối hợp với các hộ nông dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) liên kết SX lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 300ha. Tham gia chuỗi, nông dân được cấp giống, phân bón, được tập huấn các kỹ năng canh tác lúa an toàn, được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn 5 - 10% so với giá thị trường.
Các đại biểu dự hội nghị |
Thực tế, các chuỗi liên kết SX, cung ứng nông sản an toàn giữa DN Hà Nội với các tỉnh đang phát huy hiệu quả cao. Mỗi ngày Hà Nội được cung cấp 57,4 tấn thịt lợn; 0,75 tấn thịt bò; 14,3 tấn gia cầm. SX rau an toàn đạt 5,3 nghìn ha, trong đó có 224ha rau VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ.
Lợi ích mang lại là rất lớn, người dân Hà Nội an tâm với nông sản an toàn khắp nơi trên cả nước; các tỉnh, TP thì thúc đẩy năng lực tiêu thụ nông sản cho nông dân. Cũng nhờ kết nối, hơn 50 dòng sản phẩm mới từ 5 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Nam Định, Đăk Lăk đã vào được thị trường Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Đào Văn Hồ, GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN- PTNT) cho rằng, ngành nông nghiệp có hơn 10 mặt hàng nông sản XK hơn 1 tỉ USD/năm, xếp vị trí cao trên thế giới nhưng khâu chế biến và phát triển thị trường còn yếu và thiếu. Việc thúc đẩy kết nối tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch giữa Hà Nội với các tỉnh, TP không những giúp nâng cao giá trị mà còn đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, hội nhập ngành nông nghiệp.
Dưới góc độ là DN phân phối nông sản an toàn, ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM An Việt chia sẻ, nhiều địa phương mặc dù có sản phẩm chất lượng nhưng chưa chú trọng quảng bá, xây dựng hình ảnh, mẫu mã sản phẩm nên chưa tạo sức hấp dẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, còn thiếu các giấy tờ chứng nhận nên gặp khó khăn khi muốn đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại.
Nhiều nông sản “sạch” được cung cấp cho người dân qua liên kết |
“Muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại, đòi hỏi sản phẩm phải có đầy đủ giấy tờ chứng nhận. Trong quá trình làm việc, khi DN tiếp xúc với các hộ SX hầu hết đều không hiểu rõ phải có giấy chứng nhận khi tiếp cận thị trường Hà Nội nói riêng, thị trường cả nước nói chung nên gặp nhiều khó khăn”, ông Nam trăn trở.
Đánh giá cao kết quả mà Hà Nội và các tỉnh, TP đạt được trong việc cung ứng chuỗi rau, thịt an toàn cho Thủ đô thời gian qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, các chuỗi SX vẫn còn ít, sản lượng rau thịt cung cấp vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ vẫn chưa nhiều. Vấn đề giám sát ATTP, truy xuất rõ nguồn gốc tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống còn hạn chế.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị năm 2018, Hà Nội và các tỉnh, TP cần nhân rộng những kết quả đã đạt được, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về ATTP. Phát huy các chuỗi SX an toàn. Ưu tiên quản lý chợ đầu mối, chợ truyền thống để người tiêu dùng yên tâm, chuẩn bị tốt thực phẩm an toàn cho dịp Tết. Tăng cường kết nối, học tập các mô hình của các tỉnh, TP và tổ chức lại các hộ SX nhỏ lẻ thành vùng nguyên liệu cung cấp cho các DN lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu cho rằng, thực hiện liên kết chuỗi với các tỉnh, TP để cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô thời gian qua làm khá tốt, nhưng cần phải làm mạnh hơn nữa. Đặc biệt cần quảng bá tốt sản phẩm, tạo các trọng điểm và các kênh phân phối sản phẩm. Việc liên kết "4 nhà" cần đẩy mạnh nhiều hơn, mục đích cuối cùng là đưa sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn