Năng lực cạnh tranh còn yếu
Theo báo cáo của Chính phủ, GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất 15 năm, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện tốt. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu quan trọng. Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Đổi mới chính sách, cơ chế liên quan đến đầu tư đạt nhiều kết qủa tích cực - đại biểu Vinh cũng cho rằng, bên cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn những vấn đề như cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu đến từ khối FDI.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, chi ngân sách còn lớn gây áp lực trong cả ngắn hạn và dài hạn. Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu, ô nhiễm môi trường, giáo dục đào tạo và sử dụng nguồn lực mất cân đối.
Chính vì vậy, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm các vấn đề tác động đến chất lượng tăng trưởng. Những yếu tố chưa bền vững của nền kinh tế, đưa ra giải pháp hữu hiệu cho năm 2016, nâng cao khả năng dự báo trong điều hành kinh tế vĩ mô. Cần bảo đảm phát triển hài hòa giữa các khu vực, phân tích kỹ sự phát triển lệch pha lớn giữa khối FDI và doanh nghiệp trong nước là do quản trị doanh nghiệp hay do chính sách.
Đối với phát triển nông nghiệp, đại biểu Vinh cho rằng, cần tiếp tục ban hành chính sách phát triển nông nghiệp mạnh, tạo sự liên kết chặt chẽ, tổ chức tốt tiêu thụ nông sản nội địa. Cụ thể là hỗ trợ nông nghiệp ở khâu chế biến, tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà; giải quyết tốt giá nông sản, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi để không bị ép giá; tổ chức tốt thị trường nông sản nội địa. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa chất trong chăn nuôi và cắt giảm chi tiêu công chưa cần thiết, bảo đảm tăng lương đúng lộ trình.
Cũng lo lắng về phát triển nông nghiệp, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có giống lúa chất lượng cao ngay tại thị trường Việt Nam cũng như ra quốc tế.
Để thực hiện các tiêu chí và thực hiện được các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đại biểu Duyền đề nghị, “cần có chính sách hỗ trợ cho người nông dân tích tụ ruộng đất để có thể đưa các doanh nghiệp vào đầu tư vào lĩnh vực nông thôn từ khâu sản xuất, chế biến rồi đến tiêu thụ sản phẩm”.
Đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, năm 2015, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, 13/14 chỉ tiêu về kinh tế xã hội đã đạt mục tiêu đề ra, CPI giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 15 năm. Mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt hợp lý, duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối… tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian quan, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế còn thấp, thiếu tính ổn định.
Cho rằng có phải do chúng ta đã duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng cũ - và để giải quyết tình trạng này, đại biểu Yến cho rằng, cần đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, đẩy mạnh các ngành chế biến cao theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại.
Theo đó, đại biểu Yến đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, ban hành các văn bản hỗ trợ người lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đại biểu Yến cho rằng, tiền lương thấp là nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nguồn lực. Do vậy, thực hiện tăng lương theo đúng lộ trình là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động.
Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có các chính sách thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa hấp dẫn, nên tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, con số hiện nay chưa đến 1%. Đặc biệt, một số vùng núi, vùng sâu gần như chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào nông nghiệp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị,Chính phủ cần rà soát bổ sung để có chính sách đủ mạnh, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn nhân lực - “chìa khoá” để hội nhập
Đánh giá cao cao những kết quả đạt được của kinh tế và việc đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); tuy nhiên đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) lại bày tỏ lo ngại khi tăng trưởng bình quân năm năm đạt thấp hơn năm năm trước.
“Động lực tăng trưởng đã bão hòa, nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra động lực mới, trong đó động lực cải cách thể chế và khoa học công nghệ để phát triển có chiều sâu và bền vững” - đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa ý kiến.
Đáng chú ý là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở mức thấp khi chỉ xếp vị trí 56/140 và là mức thấp trong khu vực; như vậy cho thấy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn hạn chế.
Điều này thể hiện nguồn lực phân bổ chưa hợp lý, thủ tục phức tạp dẫn đến chi phí sản xuất cao giá thành không cạnh tranh được. Do đó, đại biểu Hòa đề nghị, cần phân bổ nguồn lực, trừ bốn lĩnh vực Nhà nước nắm quyền thì cần xã hội hóa để mọi thành phần tiếp cận nguồn lực bình đẳng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) thì lo ngại việc tham gia TPP có thể đặt thách thức không nhỏ cho nền kinh tế. Do đó, để giúp doanh nghiệp cần có biện pháp tuyên truyền hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin với hội nhập, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện đại hóa sản xuất, phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh rà soát hệ thống chương trình pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, xem xét loại bỏ quy định không còn phù hợp.
Để có thể thành công trong TPP, theo Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) thì giải pháp cần nhất là “đột phá vào con người”.
Đại biểu Tâm cho rằng, chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự đồng thuận của mỗi người dân và sự nhẫn nại, sáng tạo của mỗi doanh nghiệp thì chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn trong giai đoạn tham gia hội nhập này.