Ảnh minh họa
Ngổn ngang khó khăn
Suốt thời gian qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận những tiến bộ vượt bậc, nhưng cũng đối mặt với nhiều thử thách. Đó là sự hạn chế trong khả năng tích tụ đất đai gây trở ngại cho ứng dụng công nghệ và đầu tư dài hạn, khoảng 90% đất nông nghiệp hiện thuộc các nông hộ và trang trại, trong đó, nhóm hộ canh tác dưới 0,5ha chiếm tởi 69%; đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp vẫn rất hạn chế.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu lạc hậu, không đồng bộ; mô hình tăng trưởng hiện nay tập trung về lượng hơn là về chất, dẫn đến sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu và các hoá chất khác làm tăng chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp đối với môi trường. Nghiêm trọng nhất là mức độ biển đổi khí hậu xảy ra ngày càng nhanh. Làn sóng công nghệ mới đã và đang tạo ra các thay đổi mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, và cũng mang tới nguy cơ nông nghiệp đánh mất lợi nhuận vào các tập đoàn quốc tế, đặc biệt là các công đoạn có giá trị gia tăng cao như chế biến, marketing và bán lẻ,...
PGS-TS Lê Quốc Thanh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - nêu thực trạng: “Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp của Việt Nam cơ bản không vận hành theo cơ chế thị trường mà tồn tại dưới dạng “hàng hóa công”, nên hoạt động nghiên cứu và chuyển giao chủ yếu theo đơn đặt hàng của Nhà nước và người nhận chuyển giao không phải chi trả hoặc chỉ trả rất ít chi phí.
Cần sự đột phá
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh (Viên Nghiên cứu phát triển vùng ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ) đề ra 8 “giải pháp thông minh” cho việc trồng lúa ở ĐBSCL. Trong đó nhấn mạnh sự “thông minh về giống”. Hiện nay, tiến bộ công nghệ sinh học về gene di truyền, tế bào, mô, enzyme và vi sinh đã khám phá ra tiềm năng cây lúa có liên quan đến khả năng tăng năng suất, dinh dưỡng, chất lượng, ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt là nâng cao năng lực về chế biến và giá trị tăng thêm ở lúa gạo rất lớn. Việt Nam có hơn 2.000 giống lúa cổ truyền là nguồn gene quý hiếm để phát triển giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, ông Sánh nói và cho biết: “Liên kết, đặc biệt là liên kết tiểu vùng trong tổng thể liên kết vùng là xu thế tất yếu và cũng là nhu cầu cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL, tạo nền tảng để phát triển mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững”.
PGS-TS Lê Quốc Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đề xuất cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách gắn kết các hoạt động nghiên cứu với chuyển giao từ đầu vào đến đầu ra; gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất. Trong đó, hoạt động chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ phải được thực hiện đồng bộ, trọn gói, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Nông nghiệp Việt Nam hiện có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực lớn nhất thế giới. Trong 10 năm (2008-2017), thu nhập người dân nông thôn đã tăng 3,6 lần, từ 9,1 triệu lên 32 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2018 sẽ đạt 36-37 triệu đồng/người/năm… |
Theo Báo Lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn