Nỗ lực vượt khó
Xác định chất lượng lúa giống là tiền đề cho việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm; và là điều kiện để nông dân tăng thu nhập. Do vậy, ngay từ năm 1999, Bình Định đã có đề án “Nghiên cứu, SX-KD và quản lý giống cây trồng giai đoạn 1999 - 2005”. Đây là nền tảng để tỉnh này thực hiện thành công chương trình cấp 1 hóa giống lúa.
Diện tích sử dụng giống lúa cấp 1 (xác nhận) ngày càng tăng. Nếu năm 2000 đạt 95% thì năm 2011 tăng đến 97%. Năng suất lúa trên địa bàn cũng liên tục tăng trưởng. Năm 2000 đạt 41,2 tạ/ha, đến năm 2008 đạt 53,8 tạ/ha và năm 2011 đạt 57,5 tạ/ha.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2009 tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ nhằm phát triển giống cây trồng giai đoạn 2010 -2015. Theo đó, các đơn vị và địa phương SX lúa giống được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách, kinh phí nhằm đáp ứng giống lúa đảm bảo chất lượng cho nông dân.
Trong những năm qua, Trung tâm KN-KN và Trung tâm Giống cây trồng Bình Định thường xuyên phối hợp với các đơn vị khoa học, các Cty giống để thu thập, khảo nghiệm, SX thử; chọn được nhiều giống lúa có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo khá, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.
Một thuận lợi khác, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đứng chân trên địa bàn Bình Định. Đây là đơn vị có đủ điều kiện SX lúa giống siêu nguyên chủng, hằng năm cung ứng cho Bình Định khoảng 10 tấn lúa giống siêu nguyên chủng như ĐV 108, Q5, SH2, ML48, ML202... để phục vụ công tác SX giống lúa.
Bên cạnh đó, Trung tâm GCT Bình Định được giao nhiệm vụ SX và cung ứng giống lúa nguyên chủng cho các địa phương SX lúa giống xác nhận phục vụ SX. Ông Nguyễn Văn Lâm, GĐ Trung tâm cho biết: “Hằng năm, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của chương trình giống, trung tâm đã SX và cung ứng từ 250 - 350 tấn lúa giống nguyên chủng các loại như ĐV108, VD8, Q5, SH2, ĐB6, ML48, ML202...cho các địa phương SX hàng nghìn ha lúa giống xác nhận để cung ứng cho nông dân”.
Trung tâm GCT Bình Định SX khảo nghiệm 1 số giống lúa lai tại huyện Tây Sơn
Ngoài ra, ở Bình Định còn có 2 đơn vị SX và cung ứng lúa giống là Cty TNHH GCT Thuận Nông với diện tích SX ổn định 200 ha, mỗi năm SX và cung ứng từ 700 - 1.000 tấn lúa giống; Cty TNHH GCT Quy Nhơn mỗi năm SX khoảng 100 tấn lúa giống nguyên chủng và 200 tấn giống xác nhận. Cộng tất cả những nguồn cung nói trên vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu SX.
Nhờ điều kiện thuận lợi nên nhiều Cty giống ngoài tỉnh về đây tổ chức SX, cung ứng mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu về giống lúa cho nông dân. Thực tế này làm nảy sinh sự cạnh tranh, nhờ đó chất lượng lúa giống ngày càng tốt hơn và giá bán cũng đến tay nông dân cũng thấp dần.
Còn đó vướng mắc
Ngoài đơn vị SX và cung ứng giống lúa chủ lực là Trung tâm GCT, tại Bình Định còn có 2 đơn vị ngoài quốc doanh làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trong hoạt động, họ còn cần nhiều đến sự trợ sức của ngành chức năng để tăng cường năng lực SX, lấp bớt lỗ hổng về cung ứng giống lúa trên địa bàn.
Bà Trịnh Thị Hồng Hoàng, GĐ Cty TNHH GCT Quy Nhơn, nói: “Nếu tỉnh quan tâm cho chúng tôi được hưởng chính sách trợ giá trong SX và cung ứng giống lúa, năng lực cạnh tranh của DN sẽ được nâng cao và chúng tôi sẽ đáp ứng cho nông dân tốt hơn”.
Còn ông Nguyễn Văn Chương, GĐ Cty TNHH GCT Thuận Nông, thì cho biết: “Nông dân trong tỉnh vẫn đang sử dụng nhiều giống lúa đã thoái hóa như Ải 32, IR 13-2 và Khang dân 18. Ngoài ra nông dân nhiều tỉnh bạn cũng có nhu cầu đáp ứng, nhưng do các giống lúa này đã bị loại ra ngoài cơ cấu nên chúng tôi không thể SX.
Nông dân trong tỉnh phải mua giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng để dùng. Và dù mua giống với giá rất cắt cổ nhưng nông dân vẫn chấp nhận, vì họ đang "hít" bởi các giống lúa nói trên cho năng suất vượt trội, gạo được thị trường ưa chuộng. Còn với những thị trường tỉnh ngoài thì chúng tôi đành lỡ hẹn”.
Để góp phần giải bài toán cung cầu và ổn định giá về lúa giống, nhiều HTXNN tại Bình Định cũng tham gia SX lúa giống. Tuy nhiên, họ đang thực hiện công tác này trong bối cảnh khó khăn hết cỡ. Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định cho biết: “Trong số hàng chục HTXNN tham gia làm giống, nổi bật lên là HTXNN phường Bình Định (TX An Nhơn) và HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước). 2 HTX này đã liên kết với các đơn vị SX lúa giống ở Quảng Ngãi, TT-Huế, Quảng Bình... cung ứng được khoảng 2.000 tấn giống lúa/năm.
“Các địa phương cần tạo điều kiện hết mức về hạ tầng, đất SX cho HTXNN đang tham gia SX và cung ứng lúa giống. Phải xác định, vai trò kinh tế tập thể là không thể thiếu đối với SXNN, nhất là trong giai đoạn xây dựng cánh đồng mẫu lớn nên không thể để họ "tự bơi". Chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ dài hạn lãi suất tiền vay cho HTX để họ có điều kiện mua sắm thiết bị phục vụ SX lúa giống”, ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.
|
Cũng với hình thức liên kết SX, HTXNN Bình Tân (huyện Tây Sơn) và Nhơn Thọ (TX An Nhơn) mỗi năm cung ứng cho Trung tâm GCT Bình Định khoảng 350 tấn. Tuy nhiên, số các HTX làm tốt lúa giống chỉ tính được trên đầu ngón tay, số còn lại đang gặp muôn trùng khó khăn”.
Ông Nguyễn Văn Điểu, Chủ nhiệm HTXNN Cát Hưng (huyện Phù Cát) than thở: “Chúng tôi được chính quyền địa phương giao việc SX lúa giống cung ứng cho nông dân như một nhiệm vụ chính trị để đáp ứng cho khoảng 800 diện tích gieo trồng hằng năm. Thế nhưng ruộng SX lúa giống chỉ giao có 2 ha.
Chúng tôi phải thuê đất của dân rồi bỏ ra 200 triệu để ủi cát, bạt đồi để SX lúa giống, rồi thuê thêm đất dự phòng của xã với giá từ 120 - 150 kg lúa/sào/năm để tăng diện tích làm giống lên 5 ha mới có thể SX mỗi năm từ 80 -100 tấn lúa giống cung ứng cho xã viên.
Trong hoạt động, HTX không thể tiếp cận với đồng vốn ngân hàng, khi cần anh em trong ban chủ nhiệm phải lấy sổ đỏ nhà riêng, cà vẹt xe máy thế chấp để tạo vốn”.
Không chỉ vậy, theo hầu hết các HTXNN trên địa bàn Bình Định đang tham gia SX lúa giống thì công tác làm giống của họ đang hoạt động trong bối cảnh “3 không”: Không nhà kho, không sân phơi, không thiết bị.
Ngày 8/11/2012 - Theo Kinh tế nông thôn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn