Thanh Hóa: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - cơ hội và thách thức
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình sản xuất NNHC, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo phân tích của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sản xuất NNHC có thể hiểu đơn giản là hình thức sản xuất có quy trình chặt chẽ, đảm bảo hệ sinh thái, loại bỏ việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các hóa chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng hoặc vật nuôi. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất chung của lao động trong ngành nông nghiệp tỉnh ta thì phát triển NNHC là vấn đề khó.
Mô hình sản xuất rau, củ quả theo hướng hữu cơ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, xã Đông Tiến (Đông Sơn) có diện tích 3,2 ha, trồng các loại rau cải, dền, muống, mồng tơi, cà chua, dưa lê, dưa chuột bao tử, dưa Kim Hoàng hậu... Mỗi luống cây trồng đều được gắn bảng thông tin về quá trình sinh trưởng, như: Ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày dự kiến thu hoạch...
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, cán bộ công ty, cho biết: Sản xuất cây trồng theo phương pháp hữu cơ rất khó. Bởi, quy trình này cần nhiều sức lao động, phức tạp và kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản). Với quy trình đó, rau hữu cơ không chỉ an toàn cho cả người sử dụng và người sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Qua sản xuất và ứng dụng vào thực tế, nhận thấy do điều kiện thời tiết trên địa bàn khá khắc nghiệt nên tình trạng sâu bệnh diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây trồng, nên công ty đã xây dựng hơn 1,1 ha nhà lưới để thử nghiệm sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Việc sản xuất trong nhà lưới đã chống được côn trùng, sâu bệnh tới 50%. Trong trường hợp cây trồng bị nhiễm bệnh, sẽ dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng đem giã và trộn với rượu rồi phun cho cây, hoặc khoanh vùng để tiêu hủy...
Mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, diện tích 283 ha trên địa bàn thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) cũng là một trong số ít những mô hình sản xuất NNHC mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Tuy đã manh nha một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, song diện tích chưa lớn, để hướng đến một nền sản xuất NNHC còn là vấn đề hết sức khó khăn.
Theo phân tích của ngành chuyên môn, trở ngại đầu tiên khi phát triển sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh chính là thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất của nông dân. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, việc sản xuất NNHC trong quá trình canh tác, các khâu như nước, giống, các vật tư nông nghiệp sử dụng phải được tổ chức uy tín công nhận.
Đồng thời, chi phí cho sản xuất NNHC cao gấp 5-6 lần so với các phương pháp thông thường, sản lượng không cao, nhưng giá cả lại chưa tương xứng do phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng khác trên thị trường. Bởi, người tiêu dùng trong tỉnh có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch nhưng chưa chú trọng và phân biệt rõ thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với các tiêu chuẩn khác...
Trước thực tế này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, theo Nghị định 109, ngày 28-8-2018 của Chính phủ về NNHC, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát địa hình, lựa chọn địa điểm, phân tích các điều kiện... trong quá trình triển khai thực hiện sản xuất; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC (1 lần)...
Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ một phần chi phí đào tạo, tập huấn sản xuất, giống, phân bón... đối với mô hình trồng trọt và chi phí giống, thức ăn hữu cơ và thuốc thú y đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông... Đây chính là cơ hội lớn cho đơn vị sản xuất khi chuyển xu hướng sang sản xuất NNHC.
Đồng thời, việc mở rộng diện tích sản xuất NNHC đúng tiêu chuẩn cần nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí đào tạo nông dân và các thủ tục chuyển đổi, tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách khuyến khích các cửa hàng, siêu thị liên kết thu mua sản phẩm, nhằm bảo đảm đầu ra bền vững và lâu dài. Ngoài ra, cần vận động các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ tạo liên kết với nhau thành mô hình HTX có phương thức liên kết để bảo đảm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hà Nam: Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường
UBND tỉnh Hà Nam vừa có Công văn gửi các huyện, thành phố, Sở NN&PTNT, Sở Y tế triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường bắt đầu từ ngày 1/11-1/12/2019.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đồng thời ngăn ngừa bệnh truyền lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi và thực hiện Công văn số 7724/BNN-TY ngày 15/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Công văn số 3131/UBND-NN&TNMT về việc triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” đồng loạt trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/11/2019 đến ngày 1/12/2019 theo nội dung Công văn số 7724/BNN-TY ngày 15/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các địa phương và tổng hợp báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” trên địa bàn đúng nội dung, thời gian và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Sở Y tế; tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn.
Hưng Yên: 62 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 62 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao.
Trong đó có 47 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, bao gồm cả các chuỗi sản xuất nguồn gốc thực vật và động vật; 15 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Ninh Bình: Nông dân thu lãi lớn từ na trái vụ
Bằng kỹ thuật cắt cành để ép cho na ra quả gối vụ từ thân cây, một số nông dân ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã có thu nhập cả trăm triệu đồng/1ha.
Ông Trần Văn Hợi-một trong những người tiên phong áp dụng kỹ thuật này chia sẻ: Cành quả na thường mọc trên cành mẹ (cành của năm trước). Nhụy đực và nhụy cái trên cùng một chùm hoa. Nhụy cái thường chín sớm so với nhụy đực nên thời gian để tiếp nhận phấn ngắn, nếu không có côn trùng hoặc thụ phấn bổ sung thì quả đậu kém.
Được biết, hiện nay gia đình ông Hợi đang sở hữu vườn na hơn 3 ha với tổng số 2.000 gốc na. Một năm ông thu 2 lứa quả, lứa 1 vào tháng 6, tháng 7 âm lịch, sản lượng khoảng 7 tấn; lứa thứ 2 thu vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, sản lượng ít hơn, chừng 3 tấn, tuy nhiên giá lúc này cao gấp 1,5-2 lần lúc chính vụ, khoảng 40-60 nghìn đồng/1kg.
Ông Vũ Đình Phái cũng là một người trồng na trái vụ ở thôn Gọng Vó cho biết thêm: Khó nhất là việc đánh giá sức khỏe cây, nếu tham lấy quá nhiều quả thì cây na hoặc sẽ kiệt quệ, hoặc sẽ bị chết.
Do vậy, để làm thành thạo, chuẩn hóa thành quy trình, những nông dân như ông phải mất tới vài vụ thử nghiệm, vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm mới có được kết quả như ngày hôm nay. “Nhà có 2 ha đất đồi trồng na, nếu chỉ bán na chính vụ thu nhập chỉ có khoảng 100 triệu đồng, nhưng từ khi làm gối vụ, doanh thu mỗi năm không dưới 200 triệu đồng”, ông Phái khoe. Gọng Vó và Đồi Ngô được ví như là vùng kinh tế mới ở xã Gia Hòa bởi trước kia là vùng đất hoang hóa, chủ yếu trồng keo, sắn.
Kỹ thuật điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ tùy thích bằng cách... cắt cành đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Na không chín rộ trong thời gian ngắn, nghĩa là không có chuyện ứ hàng. Và tất nhiên, cánh thương lái không thể ép giá, nhờ vậy mà nhiều nông dân ở xã Gia Hòa hiện nay đang khấm khá lên nhờ trồng na.
Theo Thanh Tâm/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn