08:01 EST Thứ năm, 16/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tin NN Tây Bắc: Bảo Yên ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Thứ ba - 10/09/2019 01:04
Bảo Yên (Lào Cai) xác định nông nghiệp thế mạnh của địa phương, đã đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập trung vào một số cây trồng chủ lực.
by1.jpg

Thu hoạch dâu tằm tại xã Việt Tiến. Ảnh: Báo Lào Cai

Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Xác định thế mạnh của địa phương, lồng ghép với các chương trình của tỉnh, huyện đã đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập trung vào một số cây trồng chủ lực. Ban đầu, huyện sẽ lựa chọn các xã có lợi thế để thực hiện, sau khi thành công sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Chúng tôi đến xã Bảo Hà khi những người nông dân trồng hồng không hạt nơi đây đang cải tạo vườn hồng, đốn tỉa, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất cho biết, những gốc hồng cổ có tuổi đời hàng chục năm được chăm sóc theo đúng kỹ thuật, do đó sản phẩm vẫn giữ được chất lượng, lại có mẫu mã đẹp hơn, bán được giá, được thị trường tiêu thụ mạnh.

Xã Bảo Hà hiện có 40 ha cây hồng không hạt đang cho thu hoạch (khoảng 250 cây/ha), diện tích mới trồng chưa cho thu hoạch khoảng 50 ha, năng suất bình quân 40 tấn/ha, sản lượng 1.600 tấn. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần đưa xã Bảo Hà từng bước hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài mô hình trồng hồng không hạt tại Bảo Hà, huyện Bảo Yên đang xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao khác, như mô hình trồng sản xuất rau tại xã Bảo Hà và thị trấn Phố Ràng; mô hình trồng chè, cây ăn quả tại các xã: Xuân Hòa, Lương Sơn, Tân Dương; mô hình trồng dâu nuôi tằm tại các xã: Việt Tiến, Minh Tân…

Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đạt 317 ha, tăng 75 ha so với năm 2017. Doanh thu bình quân từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên một đơn vị canh tác bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 60 triệu đồng/ha/năm.

Để người dân yên tâm sản xuất, huyện Bảo Yên cũng kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiện đã có 3 công ty, 3 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 48 hộ gia đình tham gia sản xuất, góp phần tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Điển hình là Công ty TNHH Chè Đại Hưng nhiều năm qua đã phối hợp với chính quyền các xã trong vùng chè (Xuân Hòa, Lương Sơn, Xuân Thượng, Tân Dương...) liên kết với các hộ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã đạt 292 ha. Năng suất chè bình quân (chè Kim tuyên) là hơn 6,3 tấn/ha, sản lượng đạt 1.854 tấn/292 ha. Doanh thu của các hộ trồng chè lai bình quân gần 100 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty Chè Đại Hưng, cho biết: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo nên sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của công ty, nhờ đó, thu nhập của người dân cũng được nâng lên.

Huyện Bảo Yên phấn đấu đến 2020, diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao áp dụng trên một số cây trồng chủ lực (chè, rau, cây ăn quả) đạt 300 ha. Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, cho biết: Để đạt mục tiêu này, thời gian tới huyện sẽ tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương, khuyến khích nông dân, các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân liên kết, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nậm Pì phát triển cây công nghiệp

Thời gian qua, xã Nậm Pì (Nậm Nhùn, Lai Châu) phối hợp với chính quyền các cấp, đơn vị đầu tư đưa nhiều giống cây công nghiệp vào trồng, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đổi thay đời sống cho nhiều hộ dân trong xã.

cay-cong-nghiep.jpg

Người dân bản Pề Ngài 1 (xã Nậm Pì) chăm sóc cây mắc ca. Ảnh: Báo Lai Châu

Được người dân bản Ma Sang và Pề Ngài 2 đưa vào trồng dưới tán rừng của bản từ nhiều năm trước, cây thảo quả trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình. Ông Giàng A Chiến ở bản Ma Sang cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha thảo quả trồng dưới tán rừng. Loại cây này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, chủ yếu cần công chăm sóc. Mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng tiền bán quả thảo quả khô”.

Hiện nay, diện tích thảo quả toàn xã đạt hơn 26ha, năng suất trung bình gần 12 tạ quả/ha. Với giá bán bình quân 110 nghìn đồng/kg, các hộ thu từ 70 – 100 triệu đồng/vụ.

Từ lợi thế có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ đạt gần 50% cộng với kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thảo quả, giữa năm 2018, từ nguồn vốn chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đề án hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn, xã Nậm Pì triển khai cho người dân trồng gần 80ha cây sa nhân tím. Cũng sống dưới tán rừng nhưng so với cây thảo quả, sa nhân tím lợi thế hơn bởi có thể trồng trên đất rừng gần nhà, dễ chăm sóc, quản lý cũng như vận chuyển sản phẩm. Sau 2 - 3 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch với giá trung bình từ 110 – 220 nghìn đồng/kg, hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao.

Ngoài hỗ trợ người dân trồng các loại cây công nghiệp, xã Nậm Pì còn đẩy mạnh kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư theo hình thức liên kết trực tiếp với người dân (người dân góp đất, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cùng trồng cây, chia lợi nhuận theo thỏa thuận). Anh Vàng Văn Chức – Công chức địa chính - nông nghiệp xã Nậm Pì cho biết: “Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cùng người dân trồng các loại cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn xã được chính quyền xã hết sức quan tâm. Vì hầu hết diện tích đất nương của bà con đều bạc màu, không còn phù hợp với cây nông nghiệp. Nếu để người dân tự sản xuất, giá trị kinh tế hầu như không có. Từ việc các doanh nghiệp vào đầu tư trồng cây công nghiệp mới như mắc ca, cao su tạo thêm việc làm và nguồn thu”.

Với diện tích 684ha cao su, 84ha mắc ca có thời gian trồng từ 5 – 7 năm không chỉ hứa hẹn mang lại cho người dân xã Nậm Pì lợi nhuận 10% giá trị sản phẩm sau thu hoạch mà còn tạo thu nhập trước mắt cho nhiều hộ khi tham gia làm công nhân chăm sóc cây trồng cho doanh nghiệp. Ông Vàng A Vừ ở bản Pề Ngài 1 tâm sự: “Bản có 46 hộ, sau các buổi họp, nghe tuyên truyền về lợi ích khi trồng mắc ca, dân bản thống nhất góp hơn 80ha đất nương cho doanh nghiệp. Ngoài cam kết về lợi nhuận sau thu hoạch, hiện doanh nghiệp thuê người dân trong bản làm công nhân chăm sóc mắc ca với tiền công 150 nghìn đồng/người/ngày. Năm nay cây mắc ca bắt đầu cho quả, chúng tôi mừng lắm vì sắp có nguồn thu”.

Tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, đến nay, xã Nậm Pì đã trồng hơn 872ha cây công nghiệp các loại. Góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 12,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình gần 5%/năm.

Hiệu quả mô hình trồng rau trái vụ ở Yên Sơn

Vốn quen sản xuất nông nghiệp truyền thống, tuân thủ tính thời vụ, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhưng khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình trồng rau an toàn trái vụ, các hộ dân xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La) đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng kỹ thuật vào thâm canh, tạo sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập.

rau-trai-vu.jpg

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu kiểm tra mô hình trồng rau trái vụ tại HTX rau an toàn Thanh Sơn. Ảnh: Báo Sơn La

Vừa thu hoạch xong lứa đầu của vườn cà chua trái vụ, anh Đậu Đức Đạt, một trong 4 hộ gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn thí điểm xây dựng mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím, cho biết: Gia đình tôi có 3.000 m2 đất, trước đây trồng cà chua chính vụ thì cây phát triển chậm và nhiều loại sâu bệnh mà giá lại không cao, chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Năm nay, gia đình được chọn thực hiện thí điểm trồng cây cà chua trên gốc cà tím. Do được ghép trên gốc cà tím nên tận dụng được bộ rễ của cây cà, cây cà chua phát triển tốt, năng suất trung bình đạt 2,5 kg/gốc.

Mặc dù làm trái vụ, dễ xảy ra dịch bệnh, tốn nhiều công chăm sóc nhưng lại rất được giá, trung bình giá bán tại vườn 8.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá chính vụ. Ước tính đến hết vụ gia đình tôi thu hoạch được trên 10 tấn, trị giá khoảng 70-80 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, được biết: Mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ được Trung tâm triển khai từ cuối tháng 4/2019 tại địa bàn xã Yên Sơn (Yên Châu) quy mô 5 ha, gồm: 1 ha trồng cà chua, 3 ha trồng rau bắp cải và 1 ha trồng rau cải ăn lá. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, 50% kinh phí mua vật tư phân bón, thuốc BVTV, được tập huấn kỹ thuật bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, như: xử lý đất trước khi gieo trồng, kỹ thuật gieo trồng, sử dụng phân bón an toàn, phân hữu cơ hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc hóa học...

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm cử cán bộ thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát các hộ dân thực hiện đúng theo quy trình VietGAP nên diện tích rau phát triển tốt, chất lượng đảm bảo. Qua đánh giá, mô hình đạt kết quả khá tốt. Trồng rau trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với rau chính vụ.

Tuy nhiên, trồng rau trái vụ cũng gặp không ít khó khăn do chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết như ngập úng, sâu bệnh dễ phát sinh, quy hoạch khó khăn vì các hộ dân sản xuất chủ yếu trong đất vườn và tốn nhiều công chăm sóc. Vì vậy, khi thực hiện mô hình người dân phải kiên trì, tuân thủ nghiêm ngặt khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc thì sẽ cho thu hoạch tốt.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX rau an toàn Thanh Sơn cho biết: Được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích trồng rau trái vụ, đặc biệt là rau bắp cải và cà chua. Với giá cả hiện tại bắp cải từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, cà chua từ 7.000 - 10.000 đồng/kg mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX.

Dê núi Long Sơn đảm bảo an toàn thực phẩm VietGAP

Địa hình núi đá và điều kiện khí hậu tự nhiên là lợi thế để các xã có diện tích chăn thả trên địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) phát triển đàn dê theo hướng chăn nuôi tập trung.

Ước tính tổng đàn dê của huyện khoảng 8.000 con, chiếm 15,7% tổng đàn dê toàn tỉnh. Năm 2019, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Dê núi Lương Sơn". Cuối tháng 8 vừa qua, sản phẩm dê núi của thôn Yên Lịch, xã Long Sơn là sản phẩm dê thịt đầu tiên của tỉnh được chứng nhận VietGAP sau khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thịt dê đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019.

de-nui.jpg

Sản phẩm dê núi đảm bảo an toàn thực phẩm của HTX nông nghiệp Hòa Bình, xã Long Sơn (Lương Sơn) được thị trường Hà Nội ưa chuộng. Ảnh: Báo Hòa Bình

Anh Nguyễn Mạnh Linh là người tiên phong, góp phần quan trọng thúc đẩy sự ra đời của HTX nông nghiệp Hòa Bình. HTX chuyên sản xuất và cung cấp thịt dê có trụ sở tại đội 4, thôn Yên Lịch và anh Linh giữ vai trò giám đốc. HTX hiện có 6 hộ thành viên, quy mô sản xuất trên 1.000 con dê. Sản phẩm dê thịt chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tình hình tiêu thụ và giá cả ổn định là động lực giúp các hộ phấn khởi, yên tâm mở rộng sản xuất.

Bên cạnh việc áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi dê, vấn đề quảng bá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thông tin đến khách hàng về sản phẩm có chất lượng và rõ nguồn gốc xuất xứ hết sức quan trọng. HTX đã được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.

Qua các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Eco Food, HG Hifood, thực phẩm sạch Hương Rừng và một số nhà hàng tại thành phố Hà Nội... Tới đây, sản phẩm sẽ được đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của tỉnh tại địa chỉ http://hb.check.net.vn và tiếp tục  phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa sản phẩm tiếp cận các hệ thống siêu thị, điểm bán thực phẩm an toàn tại Hà Nội và một số thành phố có lượng tiêu thụ lớn khác.

Theo anh Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Bình, từ liên kết chuỗi giữa các hộ với nhau giúp giảm bớt khâu trung gian. Giá trị sản phẩm từ khi tham gia chuỗi tăng 10-15% so với thời điểm trước. Mặt khác, sản phẩm có đầu ra ổn định giúp đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ thành viên.

Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Hữu Tài, đánh giá: Mô hình đã khai thác được lợi thế địa phương có diện tích chăn thả lớn, gần thị trường tiêu thụ Hà Nội và các tỉnh, người dân có truyền thống chăn nuôi dê lâu đời, tạo việc làm thường xuyên và giúp ổn định, phát triển kinh tế hộ.

Chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thịt dê đảm bảo ATTP cũng góp phần thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của các hộ thành viên HTX và người dân trong khu vực, cụ thể sản xuất phải đảm bảo an toàn thì mới bán được giá cao và dễ tiêu thụ. Cung cấp sản phẩm sạch, an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường, đặc biệt là thị trường Hà Nội

Theo V.N(Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 231

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 222


Hôm nayHôm nay : 39749

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 861316

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73908287