Trại nấm hương Hà Lâm Phong ở thôn Má Tra (xã Sa Pả). Ảnh: Báo Lào Cai
Hiện, thời điểm trại nấm hương của anh Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lâm Phong (Sa Pa) đang vào vụ thu hoạch.
Trại nấm của Công ty TNHH Hà Lâm Phong nằm ở thôn Má Tra, xã Sa Pả (huyện Sa Pa), nơi có độ cao 1.000 - 1.200 m, thích hợp cho nấm hương phát triển. Trại nấm rộng 1,5 ha với 200 nghìn bầu nấm đang vào vụ thu hoạch tỏa mùi thơm đặc trưng.
Theo anh Nguyễn Quốc Việt, phải trải qua quá trình phụ trách kỹ thuật cho một công ty trồng nấm của Đài Loan, thường xuyên ra nước ngoài tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2016 anh mới làm chủ được công nghệ và năm 2019 mới xuất khẩu được nấm. Nấm hương là loại khó trồng, dễ bị bệnh, thời gian ươm bịch dài hơn những loại nấm khác, tỷ lệ thành công thấp nhưng giá trị kinh tế rất cao.
Anh Nguyễn Quốc Việt cho biết: Tôi đầu tư 5 tỷ đồng vào trại nấm. Nhiều giai đoạn, công ty gặp khó khăn do năng suất không cao, chất lượng nấm chưa ổn định nhưng sau một thời gian mày mò, học hỏi kinh nghiệm, cuối cùng tôi cũng nắm trong tay bí quyết trồng nấm hương thành công.
Mỗi đợt, bạn hàng Đài Loan đặt 80 tấn nấm khô. Cuối năm 2019, nấm hương Sa Pa của Công ty TNHH Hà Lâm Phong xuất lô đầu tiên đi Đài Loan. Lần đầu tiên nấm hương do người Việt trồng ở Sa Pa được xuất khẩu. Đó là công sức, tiền bạc của người tâm huyết với ngành nông nghiệp như anh Việt. Từ một kỹ sư cơ khí, vì yêu đồng đất, yêu Sa Pa mà quyết định rẽ sang làm nông nghiệp vốn ẩn chứa nhiều rủi ro. Anh Nguyễn Quốc Việt đang ấp ủ mở rộng diện tích trồng nấm để thị trường trong nước, nhiều gia đình có cơ hội sử dụng nấm hương sạch.
Tăng thu nhập từ củ chuối
Người dân xã Ma Ly Pho phơi củ chuối thuê. Ảnh: Báo Lai Châu
Theo hướng những người dân điều khiển xe máy chở củ chuối đi bán, tôi đến điểm thu mua của một thương lái người Trung Quốc thuê đất ở bản Tả Phìn (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu). Tại đây, nhiều củ chuối có trọng lượng từ 8 – 15kg chất thành khối lớn trên nền đất rộng chờ thái mỏng phơi khô.
Chị Phàn Tuyết Linh ở bản Tả Phìn chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng 500 gốc chuối. Sau khi thu hoạch buồng xong không can thiệp đến phần gốc vì để hoai mục làm phân bón cho đất hoặc lên chồi mới lấy giống trồng vì củ già mang về gia súc, gia cầm cũng không ăn. Nay thương lái mua củ chuối với giá 1 nghìn đồng/kg, chúng tôi có thêm thu nhập. Gia đình tôi đã bán được 6 tạ củ chuối. Một số gia đình trong bản đông nhân lực đào củ chuối bán còn thu về từ 1 - 2 triệu đồng/ngày.
Theo bà con nơi đây, thương lái Trung Quốc mua củ chuối nghiền thành bột làm thức ăn chăn nuôi. Những củ chuối đem bán từ cây đã thu hoạch buồng hoặc bị sâu bệnh panama, sâu đục thân, đốm lá... không còn khả năng sinh trưởng, phát triển.
Đến nay, diện tích chuối trong toàn huyện lớn, khoảng 4.000ha, do đó trước mắt việc làm này không lo cạn kiệt nguồn cây giống. Thậm chí đối với một số diện tích chuối bị sâu bệnh, người dân đang muốn phá bỏ để cải tạo đất, sau đó mới trồng lại.
Làng hoa Thanh Hưng vào vụ Tết
Ông Nguyễn Văn Nhuận chăm sóc hoa cát tường. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Thanh Hưng (Điện Biên) từ lâu được mệnh danh là “vựa hoa” của thung lũng Mường Thanh. Vào thời điểm này, dạo quanh các vườn hoa, cây cảnh đã cảm thấy không khí đón xuân ngập tràn bởi rất nhiều loài hoa đang hé nụ khoe sắc, người nông dân thì tỉ mỉ chăm chút từng gốc cây với nhiều hy vọng về một lứa hoa thành công, mang đến cho gia đình cái tết đủ đầy.
Vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Nhuận, đội 15 cũng đang bắt đầu bung nở, kịp phục vụ dịp tết Nguyên đán. Cả sáng ông Nhuận tất bật giăng lưới, bạt làm nhà che cho những luống cát tường đã ra bông. Cặm cụi bên luống hoa, ông Nhuận cho biết: “Ðây là năm đầu tiên gia đình tôi trồng thử cát tường với gần 5.000 gốc, do căn thời tiết chưa chuẩn nên hoa nở hơi sớm. Tôi đang phải làm nhà che để hãm quá trình phát triển của cây, cho hoa bung chậm, kịp bán dịp tết. Tuy nhiên, theo ông Nhuận thì cát tường giữ bông được rất lâu nên cũng không lo lắng nhiều. Chắc đúng thời điểm tết thì hoa sẽ vào độ rực rỡ nhất”. Ngoài cát tường, gia đình ông Nhuận còn có khá nhiều gốc ly, quân tử, 1 vạn cây cúc các loại, 1.000 gốc hồng, trên 1.000m2 đồng tiền. Mỗi loài hoa đều được ông tỉ mỉ chăm sóc và đã hoàn thành các công đoạn tỉa lá, tỉa cành, che chắn hoặc dùng bóng điện thắp sáng vào ban đêm, những hôm trời rét thiếu ánh nắng mặt trời… để hoa có thể nở đúng thời vụ.
Với giá hoa, cây cảnh hiện tại được đánh giá vẫn cơ bản đảm bảo thu nhập, có thể mang cái tết ấm no cho các gia đình. Theo các chủ vườn, giá hoa năm nay tăng khoảng 30% so với mọi năm. Như hoa cúc tăng từ 3.000 đồng/bông lên 4.000 - 5.000/bông. Các loại hoa đều dễ bán, thương lái, người dân vào tận vườn tìm mua, đặt mua cho dịp Tết.
Ông Phạm Tiến Thành, cán bộ khuyến nông xã Thanh Hưng cho biết: Hiện, toàn xã có khoảng 5ha trồng hoa, cây cảnh, chủ yếu là các loại quen thuộc, được sử dụng nhiều vào dịp lễ tết, như: Huệ, cúc, lay ơn, hồng, đào, quất… Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu của người dân, nhiều hộ đã trồng các giống mới như: Hoa ly, tulip, loa kèn, cát tường...
Những năm gần đây dù trồng hoa, cây cảnh tốn nhiều công sức và gặp nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết nhưng diện tích vẫn tăng đều, bởi giá trị kinh tế cao. Trung bình 1.000m2 trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập 20 - 25 triệu đồng/lứa, mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ dân. Vì vậy, các hộ đều tự chủ động học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích trồng hoa.
Mùa quýt ở Nậm Lạnh
Cách đây 15 năm, cây quýt bén duyên với đồng đất của xã vùng cao biên giới Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La). Đến nay, toàn xã có 23,8 ha cây quýt, năng suất đạt 6 tấn quả/ha. Cây trồng này đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con trong xã.
Nông dân bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh thu hoạch quýt. Ảnh: Báo Sơn La
Năm 2004, ông Lò Trung Thành, Bí thư đảng ủy xã Nậm Lạnh nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng ở xã Nậm Lạnh phù hợp với cây quýt, vì thế, ông đã về tỉnh Thái Nguyên lấy giống cây quýt về và vận động một số hộ dân bản Phổng trồng thử. Đến năm 2015, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã Nậm Lạnh đã xây dựng kế hoạch quy hoạch các vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây quýt, trong đó tập trung ở các bản Lọng Tòng, Phổng, Púng Tòng, Lạnh Bánh... Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con cải tạo và mở rộng diện tích trồng cây quýt.
Từ nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135 và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ người dân cây giống. Cùng với đó, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chiết, ghép, chăm sóc, phòng bệnh, cắt tỉa cành cây quýt sau thu hoạch...
Xã còn liên hệ với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) hướng dẫn bà con các kỹ thuật chuyên sâu, như phương pháp bón phân hiệu quả trên đất dốc; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân chuồng, phân bón hóa học đúng cách; hướng dẫn bà con đầu tư hệ thống tưới nước tự động; tư vấn để bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập hợp tác xã, hình thành các chuỗi sản xuất...
Ông Vì Văn Định, Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh, ông cho biết: Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng quả quýt ngọt, thơm, giá bán ổn định, giúp bà con trong xã nâng cao thu nhập. Trong 2 năm trở lại đây, toàn xã đã trồng mới 12 ha cây quýt. Trong thời gian tới, xã tiếp tục rà soát các vùng trồng cây quýt theo quy hoạch để tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây quýt; kiểm soát không để bà con trồng ồ ạt, ngoài quy hoạch. Đồng thời, vận động bà con góp vốn thành lập HTX, sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết với các đơn vị tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn xã có thêm 10 ha quýt.
Theo V.N(tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn