Nguy cơ một vụ dứa thất bại đã hiện hữu.
Nương dứa hơn 1,5 ha ở thôn Na Lốc 3 (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) của gia đình, anh Giàng Dùng cho biết: Mấy ngày nay tôi mất ăn, mất ngủ vì xót công, xót của bỏ ra vun trồng mà bây giờ không biết bán dứa cho ai. Từ sau tết Kỷ Hợi, các nhà máy chế biến dứa ở dưới xuôi và bên nước bạn Trung Quốc đã dừng thu mua dứa. Tổng sản lượng dứa ở các nương của gia đình cộng lại là gần 40 tấn quả nhưng xem ra cơ hội bán được là rất thấp, dứa đã chín vàng nên thương lái không mua. “Không chỉ gia đình tôi mà trong thôn Na Lốc 3 hiện có vài chục ha dứa của các hộ có nguy cơ bỏ thối vì không biết bán cho ai”, anh Dùng nói.
May mắn hơn các hộ trồng dứa ở thôn Na Lốc 3, gia đình bà Sùng Thị Tra, thôn Na Lốc 4 cùng xã đã có thương lái người Trung Quốc đến mua dứa. Nhưng khác với năm trước, vụ dứa này thương lái Trung Quốc đặt ra điều kiện rất lạ là chỉ mua quả dứa từ 0,6 kg trở lên và mức độ chín đạt dưới 20%, giá thu mua là 2.500 đồng/kg.
Bà Tra cho biết, năm nay gia đình bà trồng 7 vạn cây dứa, ước sản lượng trên 60 tấn dứa quả và hiện dứa đã chín rộ. Tuy nhiên, nếu bán theo kiểu chọn quả mà thương lái Trung Quốc đưa ra thì chắc chỉ bán được 40 tấn. Biết là bị ép giá và lỗ vốn nhưng bà đành chấp nhận thuê người hái bán nếu không muốn để dứa thối. Đã có những năm, tình trạng giá dứa quả xuống thấp gây thiệt hại nhưng chưa bao giờ người trồng dứa ở Bản Lầu lại điêu đứng như năm nay.
Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, ông Cư Trứ, cho biết: Xã có 16/21 thôn trồng dứa với diện tích trên 700 ha; sản lượng trung bình vụ đầu năm gần 10 nghìn tấn quả. Do giá dứa xuống thấp và tiêu thụ khó nên nhiều hộ phải để dứa thối trên đồi hoặc hái rồi đem đổ bỏ. Dự tính, năm nay người trồng dứa ở Bản Lầu sẽ thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tại huyện Bảo Thắng, tình trạng dứa quả đến vụ thu hoạch nhưng không bán được cũng đang diễn ra ở 2 xã trọng điểm là Bản Phiệt và Bản Cầm. Ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt cho biết: Hiện xã có hơn 210 ha dứa và diện tích dứa đang đến kỳ cho thu hoạch có sản lượng ước gần 1.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay người dân mới bán được hơn nửa, số còn lại chưa có ai thu mua. Nhiều hộ tiếc của đã tự thu hoạch, sau đó mang ra thành phố Lào Cai và ven Quốc lộ 70, 4D, 4E để bán lẻ, nhưng lượng tiêu thụ không được nhiều.
Hiện đang là thời điểm giữa vụ thu hoạch dứa, tuy nhiên giá dứa thấp, khoảng 1.500 đến 2.500 đồng/kg, bằng 1/3 năm trước.
Tổng diện tích dứa của tỉnh Lào Cai là 1.180 ha. Dứa được trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Lùng Vai (huyện Mường Khương), Bản Phiệt, Bản Cầm (huyện Bảo Thắng), Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) và một số xã của thành phố Lào Cai. Năng suất dứa năm nay bình quân đạt hơn 22 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 23.000 tấn. Dứa được mùa nhưng giá bán lại rất bấp bênh, vào chính vụ có những thời điểm giá dứa chỉ đạt 1.500 đồng/kg, thậm chí không có tiểu thương hay doanh nghiệp đến thu mua.
Giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh
Do ảnh hưởng của thông tin về dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng đến hơn 20 tỉnh, thành khắp cả nước, giá lợn hơi tại Lào Cai tiếp tục giảm mạnh. So với thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, đến thời điểm này, giá lợn hơi đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) vệ sinh chuồng nuôi.
Đến cuối tháng 3, giá lợn siêu nạc tại Lào Cai dao động từ 36.000 – 40.000 đồng (riêng Mường Khương dao động 44.000 – 45.000 đồng/kg); giá lợn đen bản địa 50.000 – 58.000 đồng/kg. Không chỉ lợn hơi bị mất giá, lợn giống cũng giảm mạnh, từ 1,2 triệu đồng/con khoảng 6 - 7kg, nay còn 1,1 – 1,2 triệu đồng/con khoảng 7 - 9kg. Tuy nhiên, lợn giống cũng rất khó tiêu thụ bởi tâm lý e ngại tái đàn của người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các tổ, chốt kiểm soát liên ngành của tỉnh đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh và vận chuyển động vật qua địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 61 xe với 1.400 con lợn, 9.350 con gia cầm, 8 con trâu, bò; xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp vận chuyển không đảm bảo vệ sinh thú y và không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.
Lào Cai tuy chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, song người tiêu dùng cũng có tâm lý lo lắng và giảm tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn. Giá lợn thịt tại các chợ trên địa bàn thành phố giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, tổng lượng thịt bán ra mỗi ngày cũng giảm mạnh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, mua thịt lợn tại các cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, “ăn chín uống sôi”, không nên tẩy chay thịt lợn, quay lưng với người chăn nuôi.
Người trồng mía khốn đốn do thiếu đầu ra
Thời điểm này, nông dân xã Bản Giang (Tam Đường, Lai Châu) bước vào thu hoạch vụ mía mới nhưng những cánh đồng mía cũ vẫn bạt ngàn. Người trồng mía đang khốn đốn do thiếu đầu ra và rớt giá.
Người dân ở bản Nà Cơ (xã Bản Giang) bán rẻ mía cho tư thương. Ảnh: Báo Lai Châu
Đi dọc tuyến đường nội bản Nà Cơ giữa tháng 3, chúng tôi thấy mía xếp đống hai bên lề đường chờ xe vận chuyển. Không khỏi tò mò, chúng tôi dừng xe tìm hiểu và được biết chị Hồ Thị Lưu ở thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) thuê 3 lao động thu mua mía cho bà con với giá rẻ để bán cho Công ty Mía đường Sơn La (tỉnh Sơn La). Với 20 tấn mía, chị Lưu mua của bà con 11 triệu đồng (1kg mía có giá 550 đồng). Đây là chuyến mía đầu tiên, lái xe ôtô của gia đình chị chưa quen đường nên việc vận chuyển chậm.
Chị Lương Thị Yến - người trực tiếp thu mua mía giúp chị Lưu tâm sự: “Chúng tôi đến bản Nà Cơ với mục đích tuyên truyền, vận động bà con ký hợp đồng trồng và cung ứng sản phẩm mía đường cho Nhà máy Mía đường Sơn La. Đến bản, chúng tôi thấy bà con loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm mía mềm. Tôi liên hệ với Nhà máy Mía đường Sơn La và được nhất trí thu mua mía mềm với giá rẻ để bà con dọn vườn, trồng vụ mía đường mới. Đây là giải pháp giúp người trồng mía nơi đây “giải phóng” sản phẩm mía năm cũ, trồng giống mía đường cho vụ mới”.
Từ lâu, cây mía ở bản Tẩn Phủ Nhiêu giúp nông dân thoát nghèo. bà con mở rộng diện tích mía thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Năm qua, bà con trong bản trồng 15ha mía. Đây đã là thời điểm cuối vụ nhưng đến nay bà con mới bán được 50% diện tích mía; trong khi thời điểm này của năm trước mía đã thu hoạch xong.
Diện tích mía của xã Bản Giang không ngừng tăng lên. Năm 2014, xã chỉ có 15ha nhưng nay tăng lên 31ha. Toàn xã có tổng sản lượng mía đạt 1.550 tấn. Trước đây, mía tập trung nhiều ở bản Tẩn Phủ Nhiêu nhưng nay người dân ở các bản: Nà Bỏ, Bản Giang, Cốc Pa, Nà Cơ, Nà Sài cũng chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ lúa sang trồng mía. Việc mở rộng diện tích mía ở Bản Giang khiến sản phẩm mía tăng cao, trong khi nhu cầu thị trường giảm. Dù người trồng mía chủ động tìm kiếm tư thương đến thu mua tại ruộng và đưa ra các chợ trong tỉnh bán lẻ, tuy nhiên bà con mới chỉ bán được 50% sản lượng mía.
Thiếu đầu ra, rớt giá, người trồng mía khốn đốn. Bà con mong tỉnh, huyện Tam Đường sớm giúp tìm đầu ra cho sản phẩm mía Bản Giang. Như vậy, bà con mới yên tâm gắn bó với nghề trồng mía nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc.
Mùa măng sặt ở Phù Yên
Tháng 3, Phù Yên (Sơn La) vào mùa măng sặt, loại măng có ở hầu khắp các cánh rừng.
Người dân xã Mường Thải (Phù Yên) đào măng sặt. Ảnh Báo Sơn La
Trước đây, cây sặt chủ yếu mọc tự nhiên, nhưng do việc phá rừng làm nương đã làm diện tích giảm đáng kể. Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường, bà con đã mang giống về trồng trên nương của gia đình.
Bà Triệu Thị Tiến, bản suối Bí, xã Mường Cơi chia sẻ: Cứ đến tháng 3, đồng bào Dao nơi đây lại vào rừng đào măng sặt. Nhưng không phải ai cũng có thể đào được nhiều măng, bởi chỉ những người có kinh nghiệm, kiên nhẫn tìm kiếm mới biết được mầm măng ẩn dưới đất và đào như thế nào để măng không hỏng cũng như không hại tới bụi cây. Vào rừng đào măng, chúng tôi thường phải đi chân trần, cứ thế di trên mặt đất để xác định chỗ có mầm măng, ấn ngón chân xuống phần đất gần với bụi cây để tìm măng. Các mầm măng dưới đất nên rất khó phát hiện và chỉ những cây măng chưa nhú lên khỏi mặt đất mới ngon.
Một ngày đi rừng lấy măng, những người có kinh nghiệm và chịu khó có thể lấy được 15-20 kg măng rừng, bán được từ 500-600 nghìn đồng, đây là nguồn thu nhập thêm ngoài làm nương ngô, nương chè, ruộng lúa của các gia đình đồng bào Dao nơi đây.