Vài năm gần đây, khi rau xanh vùng cao trở thành hàng hóa đặc sản được ưa chuộng, nông dân huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo hướng sạch, an toàn.
Nông dân Mù Cang Chải đã đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất rau sạch. Ảnh: Báo Yên Bái.
Theo định hướng của Hội Phụ nữ huyện, Tổ hợp tác trồng nông sản sạch ở xã Dế Xu Phình đã thực hiện mô hình trồng rau trong nhà màng với diện tích 7.000 m2, tổng kinh phí 150 triệu đồng. Mặc dù, sản phẩm chưa được xuất bán ra thị trường nhưng với tín hiệu khả quan về sự sinh trưởng của cây giống, có thể khẳng định đây là cách làm mới song có hiệu quả.
Chị Lý Thị Cha - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nông sản sạch chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi được trồng rau trong nhà màng. Cá nhân tôi thấy trồng rau ở đây sẽ khắc phục được sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, sâu bệnh đối với nông sản, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Bởi vậy, bản thân chúng tôi cần phải thay đổi để hình thành cho mình tập quán canh tác, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Cũng mới đi vào hoạt động trong năm 2019 song Hợp tác xã (HTX) Hội Nông dân Mù Cang Chải đã xuất bán được trên 3 tấn nông sản các loại, đạt 50% năng suất sản xuất. Tất cả nông sản đều được HTX sản xuất theo hướng sạch từ khâu chọn đất, nước tưới, làm đất, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm… với việc được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hiện, HTX cũng đã hoàn thiện xong khu vực sản xuất, sơ chế, kho bảo quản lạnh, khu bày bán sản phẩm với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Chị Giàng Thị Thanh Mơ - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Rau xanh là sản phẩm được bà con nông dân trong huyện trồng rất nhiều nhưng lại chưa có nơi tiêu thụ ổn định mà chủ yếu là bán lẻ. Trong khi trên địa bàn huyện có rất nhiều trường bán trú, nội trú sử dụng một lượng lớn rau xanh mỗi ngày và các đơn vị này lại sử dụng một lượng rau ở nơi khác đưa đến. Rau của bà con muốn đi vào đây thì cần có một đơn vị đứng ra thu mua, đảm bảo. Bởi vậy HTX thành lập với mục tiêu không chỉ trở thành nơi sản xuất mà còn tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập cho nông dân, đồng thời cũng hình thành thói quen, tập quán canh tác đúng kỹ thuật, đúng quy trình cho nông dân”.
HTX còn hướng tới việc xây dựng một thương hiệu rau sạch để vươn ra thị trường ngoài huyện bao gồm các siêu thị và cửa hàng rau quả sạch trên địa bàn toàn tỉnh.
Mùa bưởi ở Yên Thủy
Sải bước trên con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp ở xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy, Hòa Bình), chúng tôi được đắm mình trong hương thơm thoang thoảng của mùa bưởi chín.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi Diễn. ẢNh: Báo Hòa Bình
Thăm mô hình trồng bưởi của HTX Nông nghiệp Đại Đồng, ông Vũ Xuân Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng cho biết: "HTX được thành lập năm 2015, hiện có 82 thành viên, tập trung phát triển các giống cây ăn quả có múi, trong đó chủ lực là bưởi Diễn.
Đến nay, HTX có 45 ha bưởi, gồm các giống bưởi Diễn, bưởi đỏ, trong đó 35 ha đang cho thu hoạch. Các thành viên tham gia HTX nghiêm túc tuân thủ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tích cực áp dụng KHKT vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chủ động lai tạo các giống cây cho năng suất, chất lượng cao để cung cấp cho thị trường các tỉnh Sơn La, Ninh Bình… Từ sự nỗ lực đó, sản lượng bưởi của HTX năm sau cao hơn năm trước, giá thành ổn định ở mức 15.000 đồng/quả, doanh thu năm 2018 ước đạt 8 tỷ đồng. Qua đó, góp phần xóa "trắng” hộ nghèo trên địa bàn, nhiều hộ có thu nhập khá và làm giàu trên chính quê hương. HTX còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Một vài năm trở lại đây, sản phẩm bưởi của HTX từng bước xây dựng được thương hiệu, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đặc biệt, với uy tín và chất lượng sản phẩm, HTX Nông nghiệp Đại Đồng luôn giữ vững được khách hàng trong và ngoài tỉnh. 100% sản phẩm đều được bán tại vườn, không phải cắt bán lẻ. HTX đã góp phần tích cực vào việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Bưởi Yên Thủy” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp ngày 9/9/2019.
Ðể dong riềng phát triển bền vững ở Nậm Nèn
Là một trong những xã khó khăn của huyện Mường Chà (Điện Biên Phủ), những năm qua, tận dụng lợi thế đất dốc, nhiều hộ dân xã Nậm Nèn đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây dong riềng theo hướng hàng hóa và coi đây là một trong những hướng thoát nghèo. Tuy nhiên, để phát triển bền vững loại cây này ở Nậm Nèn vẫn còn nhiều thách thức.
Năm 2019, người trồng dong riềng ở Nậm Nèn được mùa bội thu khi dong riềng được mùa lại được giá, trung bình 2.300 đồng/kg. Theo tính toán của người trồng dong, 1ha dong riềng cho thu hoạch khoảng 50 tấn củ, trừ chi phí thu lãi hơn 60 triệu đồng, cao gấp từ 2 - 3 lần so với trồng ngô, lúa. Vừa nhanh tay đào dong riềng, bà Lò Thị Nương, bản Phiêng Ðất B chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ biết trồng 1 vụ ngô, lúa sau khi thu hoạch xong thường bỏ hoang đất. Những năm gần đây, tôi đã chuyển đổi gần 5.000m2 đất nương ngô sang trồng dong riềng. Tôi thấy dong riềng dễ trồng, dễ chăm sóc, 5 năm qua, tiền tích lũy từ bán dong riềng đã giúp gia đình tôi sửa được ngôi nhà sàn kiên cố hơn, có vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi nữa.
Cũng như gia đình bà Nương, sau 6 năm bén rễ đất Nậm Nèn, dong riềng đã dần trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhiều hộ trên địa bàn xã. Ðược biết, đây là kết quả của dự án liên kết đối tác sản xuất - tiêu thụ sản phẩm dong riềng được triển khai tại xã Nậm Nèn năm 2014 với tổng diện tích gần 77ha với 300 hộ dân tham gia. Sau khi dự án kết thúc, mặc dù không còn được hỗ trợ, song nhận thấy hiệu quả từ trồng dong riềng, nhiều hộ dân tự bỏ vốn tiếp tục duy trì, mở rộng. Nhờ vậy, diện tích dong riềng của xã không ngừng tăng. Từ gần 77ha (năm 2014) đến nay đã tăng lên 150ha.
Cây dong riềng trở thành cây có diện tích trồng lớn thứ hai trên địa bàn xã, chỉ đứng sau diện tích trồng ngô (291ha).
Ông Lò Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nèn cho biết: Những năm đầu khi mới phát triển, giá dong riềng khá ổn định do người dân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Hồng Phước. Tuy nhiên, từ năm thứ 4 trở đi, sau khi kết thúc hợp đồng, giá dong riềng đã có sự biến động, tăng giảm thất thường. Cụ thể, năm 2017, giá dong riềng chỉ còn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, năm 2018 thì thấp kỷ lục. Ðây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao diện tích dong riềng năm 2019 trên địa bàn xã Nậm Nèn giảm hơn 3ha so với năm 2018.
Sơn La: Triển vọng mô hình trồng mắc ca
Trên diện tích đất trồng cây cà phê trên 10 năm tuổi, đang giai đoạn già cỗi sinh trưởng kém, năng suất giảm tại xã Chiềng Dong và Chiềng Ve (Mai Sơn), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn triển khai mô hình trồng xen cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (741,695,800,900) tại Tây Bắc và Tây Nguyên. Qua đánh giá, mô hình có triển vọng cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất điều kiện canh tác khó khăn, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Các hộ dân bản Sươn và Mè Dưới, xã Chiềng Ve (Mai Sơn) nhận cây mắc ca giống. Ảnh: Báo Sơn La
Mô hình có quy mô 45 ha, với tổng số 55 hộ tham gia. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn đã khảo sát tại các xã có diện tích trồng cà phê và thống nhất chọn xã Chiềng Ve và xã Chiềng Dong để triển khai mô hình. Đây là hai xã đặc biệt khó khăn, nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển cà phê của tỉnh nên thuận lợi cho việc trồng xen cây mắc ca; có tiềm năng để phát triển cây mắc ca và có khả năng nhân rộng mô hình.
Mô hình gồm 15 ha cây mắc ca chăm sóc năm thứ 2 tại bản Dè và Lò Um, xã Chiềng Dong (25 hộ tham gia); trồng mới 30 ha tại bản Sươn và Mè Dưới, xã Chiềng Ve (30 hộ tham gia). Các hộ tham gia mô hình được lựa chọn thông qua cuộc họp dân, đảm bảo công khai và đầy đủ các tiêu chí theo quy định.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn tổ chức tập huấn cho các hộ về kỹ thuật trồng thâm canh cây mắc ca; cấp 4.950 cây giống và gần 3.800 kg phân bón NPK Lâm Thao cho các hộ tham gia mô hình. Giống cây mắc ca đã được công nhận gồm các dòng 741, 695, 800, 900. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến cung cấp cây giống có bầu, thời gian ghép từ 6 tháng trở lên, cao trên 45 cm, đường kính gốc trên 0,5 cm, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, cụt ngọn. Đồng thời, hướng dẫn các hộ đào hố đúng kích thước 80 x 80 x 60 cm, khoảng cách 11 x 6 m, mật độ 150 cây/ha trồng xen cây cà phê. Đối với diện tích cây mắc ca năm thứ 2, tiếp tục hướng dẫn cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Trong quá trình triển khai thực hiện, hai đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật và khuyến nông viên cơ sở xã thường xuyên chỉ đạo kỹ thuật, hướng dẫn trao đổi với các hộ trồng cây để đạt hiệu quả cao nhất. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các chỉ tiêu của dự án, tình hình sinh trưởng phát triển, sâu bệnh hại cây. Các hộ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây mắc ca.
Quá trình thực hiện mô hình từ khâu chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh dễ làm phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Mặc dù trồng trên diện tích đất đồi bị xói mòn, thoái hóa, đất nghèo kiệt dinh dưỡng, khó khăn trong quá trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, nhưng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tại 4 bản Dè, Lo Um (Chiềng Dong) và bản Sươn, Mè Dưới (Chiềng Ve) sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích cây mắc ca năm thứ 2, có cây đã bắt đầu cho quả; cây có chiều cao trung bình 2,1 m, đường kính gốc 2,5 -2,7 cm. Tỷ lệ sống cây trồng mới đạt 98,5%, chiều cao trung bình 1,3 m, đường kính gốc 1,6-1,8 cm.