Hạt nếp tan nhỏ, dẻo, thơm, ngon có tiếng trong vùng nhưng có nguy cơ bị bỏ quên, bởi lẫn tạp và năng suất thấp. Nhờ các mô hình, dự án khôi phục, phát triển sản xuất gần đây mà đến nay nếp tan Na Son đã trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của xã và được viết tên vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhà.
Ông Lò Văn Mẹo, người cao tuổi bản Na Lanh cho biết: “Ðồng bào dân tộc Thái thường sử dụng đồ nếp trong bữa ăn hàng ngày, nên trước đây, nếp tan là nông sản không thể thiếu trong mỗi gia đình, cả cánh đồng Sư Lư khi ấy trồng độc loại lúa này. Nếp tan không chỉ phục vụ bữa ăn thường ngày mà còn để làm bánh, đồ lễ, quà biếu quan trọng của dân bản chúng tôi”.
Ðến năm 2012, 2013, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên Ðông thực hiện Dự án “Xây dựng các giải pháp phát triển sản xuất hàng hóa cho giống lúa đặc sản nếp tan tại tỉnh Ðiện Biên” với sự tham gia của hơn 10 hộ dân. Dự án đã cùng người dân loại bỏ giống lẫn, chọn tạo giống gốc, áp dụng nghiêm quy trình chăm sóc, kỹ thuật canh tác để đưa về giống nguyên bản, đồng nhất và nâng cao năng suất lúa.
Tuy nhiên, chỉ 1 - 2 vụ sau khi kết thúc dự án, nhiều hộ dân lại một lần nữa bỏ trồng nếp tan vì diện tích manh mún, khó bảo vệ khỏi sự phá hoại của trâu, bò khi các ruộng lúa khác đã thu hoạch. Trước thực trạng đó, đến năm 2016, nhằm khuyến khích nhân dân và tạo cơ hội cho thương hiệu nếp tan phát triển, chính quyền xã đã đề xuất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nếp tan Na Son Ðiện Biên” và được UBND tỉnh cho phép. Nhưng rồi nhãn hiệu có cũng chỉ “để đấy”, chưa phát huy được giá trị. Cả vùng chỉ còn 5 - 6 hộ duy trì trồng nếp tan để phục vụ gia đình.
Trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay hạt gạo nếp tan Na Son đã khẳng định được vị trí của mình và được người tiêu dùng đón nhận, người nông dân tha thiết gắn bó. Ðó là nhờ sự vực dậy từ Mô hình sản xuất lúa đặc sản nếp tan thuộc Dự án Phát triển chuỗi giá trị cho lúa đặc sản nếp tan tỉnh Ðiện Biên do Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện. Năm 2018, Dự án được khởi động với 5ha nếp tan Na Son.
Dự án chọn lọc giống, đầu tư phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác cho người dân. Ðến năm 2019, Dự án tiếp tục với sự tham gia của 17 hộ dân, trên diện tích 11ha. Qua đánh giá của chính quyền xã, nếp tan được sự hỗ trợ của Dự án có năng suất, chất lượng tốt hơn hẳn, nâng từ 35 - 36 tạ/ha lên 40 tạ/ha. Ðến mùa thu hoạch, thương lái vào tận nơi thu mua với giá 120.000 - 140.000 đồng/10kg thóc, trên 20.000 đồng/kg gạo, cao hơn các loại lúa, gạo địa phương khác.
Năm 2019, nếp tan đã được xã Na Son chọn là 1 trong 2 sản phẩm OCOP để thúc đẩy phát triển. Tham gia dự thi chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp huyện, nếp tan Na Son được chấm điểm 3 sao và dự kiến được gửi dự thi cấp tỉnh vào năm tới.
Bắc Hà trồng gần 3,5 ha cây dâu tây Hàn Quốc
Công ty TNHH Một thành viên nông nghiệp Bắc Hà phối hợp với Tập đoàn nông nghiệp Dooho (Hàn Quốc) trồng 3,49 ha cây dâu tây Hàn Quốc công nghệ cao tại huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Dâu tây là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Báo Lào Cai
Từ cuối năm 2019, 2 công ty đã thực hiện Dự án trồng cây dâu tây Hàn Quốc công nghệ cao tại xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà. Dự kiến mô hình trồng cây dâu tây Hàn Quốc tại Bắc Hà sẽ cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 50 tấn quả dâu/năm. Theo dự án, 2 công ty đầu tư vốn ban đầu 20 tỷ đồng, làm 59 nhà kính trồng dâu, 10 nhà kính ươm giống, 1 nhà đóng gói bảo quản, 1 nhà ở công nhân và 1 nhà điều hành.
Dâu tây là loại cây hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ thu hoạch quả mà còn phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Việc phát triển cây dâu tây tại huyện Bắc Hà sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch trên địa bàn.
Hiệu quả mô hình nuôi thỏ liên kết chuỗi giá trị ở Yên Hợp
Nhận thức rõ việc chăn nuôi thỏ đơn lẻ từng hộ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, các hộ gia đình ở xã Yên Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã cùng nhau đăng ký thành lập tổ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trước kia gia đình bà Phạm Thị Vân, thôn Yên Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên chỉ chăn nuôi lợn, gà theo quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thu được thấp. Sau bao năm trăn trở, năm 2018 bà Vân quyết định mua thỏ về nuôi. Bà tìm về Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên để mua 50 cặp thỏ New Zealand giống về nuôi, rồi nhân đàn dần.
Bà Vân cho biết: "Thỏ dễ nuôi, nguồn thức ăn đơn giản vì thỏ ăn các loại lá rau, cỏ. Nuôi thỏ không mất nhiều diện tích, chuồng trại rộng 200 m2 là có thể nuôi 100 đôi. Song thỏ có nhược điểm là rất dễ bị bệnh đường ruột nếu thức ăn và môi trường sống không đảm bảo. Do vậy, gia đình thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi sạch, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các loại thức ăn cho thỏ luôn bảo đảm vệ sinh”.
Theo anh Đinh Xuân Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hợp: "Toàn xã Yên Hợp có 1 hợp tác xã kiểu mới và 8 tổ hợp tác, trong đó Tổ hợp tác Chăn nuôi thỏ thương phẩm là tổ hợp tác đầu tiên của xã và của huyện thực hiện liên kết chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao cho người dân. Thông qua mô hình liên kết chuỗi này chúng tôi sẽ phổ biến, nhân rộng để hình thành vùng chăn nuôi thỏ giống, thỏ thịt, từ đó xây dựng mối liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để người dân Yên Hợp phát triển chăn nuôi thỏ ổn định và bền vững, nâng cao thu nhập”.
Thu nhập ổn định từ trồng ngô sinh khối ở Chiềng Sàng
Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Việc chuyển đổi này góp phần gia tăng giá trị kinh tế đối với cây ngô và đảm bảo nguồn lương thực dự trữ cho đàn gia súc, đem lại thu nhập ổn định.
Người dân bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng thu hoạch ngô sinh khối. Ảnh: Báo Sơn La
Chiềng Sàng là một trong những xã có diện tích ngô sinh khối lớn của huyện Yên Châu với gần 30 ha, chủ yếu được trồng trên đất lúa 2 vụ. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây ngô sinh khối trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Chúng tôi đến bản Chiềng Sàng 2 là bản có nhiều hộ dân tham gia trồng ngô sinh khối.
Ông Hoàng Văn Dương, hộ đi đầu trong bản về trồng ngô sinh khối với hơn 2.000 m² cho biết: Do đất canh tác kém hiệu quả, sau khi được tuyên truyền vận động, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối. Với đặc tính thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chỉ sau 3 tháng trồng và chăm sóc, cây ngô đã cho thu hoạch (ngắn hơn ngô lấy hạt 1 tháng). Gần đây, diện tích ngô của gia đình được Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hợp đồng thu mua ổn định với giá 800-1.000 đồng/kg, chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Trung bình mỗi vụ, gia đình thu hoạch khoảng 25 tấn, thu về gần 25 triệu đồng, lãi cao hơn 1,5 lần so trồng ngô lấy hạt, lại không cần bảo quản sau thu hoạch.
Cũng như ông Dương, gia đình bà Lò Thị Nho cùng bản Chiềng Sàng 2 chuyển đổi gần 1 ha trồng sắn sang trồng ngô sinh khối, canh tác mỗi năm 2 vụ, thu lãi khoảng 30-35 triệu đồng/vụ. Bà Nho chia sẻ: Trước đây, nếu trồng ngô lấy hạt, gia đình chỉ thu hoạch được một vụ duy nhất trong năm. Mỗi khi đến vụ thu hoạch, chúng tôi vất vả lắm, vừa thu hoạch vừa phơi hạt, rồi lại làm đất chuẩn bị sản xuất cho vụ sau. Chưa kể giá ngô hạt bấp bênh, cùng với thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ngô.
Từ khi trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, mỗi năm, gia đình tôi trồng 2 vụ, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng sắn và các loại cây rau màu khác, không vất vả như trồng ngô hạt. Vào vụ thu hoạch, các công ty thu mua đến tận ruộng cắt cây mang về, chúng tôi không lo bị tư thương ép giá mà lại có nguồn thu nhập ổn định.
Theo V.N(tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn