Anh Trần Văn Diễm (người đội mũ đỏ) cùng hai cô con gái vui vẻ nói chuyện với mọi người về ngôi nhà mới của mình |
Đầy ắp niềm vui
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn, mẹ anh Trần Văn Diễm không giấu được niềm hạnh phúc, hồ hởi kể với chúng tôi: “Nếu không có đồng vốn hỗ trợ từ chương trình sửa chữa nhà cho gia đình chính sách thì bọn chúng sẽ mãi ở trong ngôi nhà lợp lá dột nát vậy”.
Anh Diễm cho biết, với 25 triệu đồng tiền vốn vay theo Quyết định 33/2015/QĐ - TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, cộng với tiền công bốc vác và làm thuê của 2 vợ chồng tích góp, đã giúp anh xây được căn nhà rộng rãi. Tết năm nay, cả gia đình sẽ vui hơn vì được đón năm mới trong ngôi nhà mới, khang trang chứ không phải cảnh mưa nắng dãi dầu như bao năm qua.
Cũng như gia đình anh Diễm, gia đình chị Phạm Thị Nữ, Tổ trưởng tổ vay vốn Hội phụ nữ ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy Hậu Giang từng là hộ nghèo. Nhờ có 7 triệu đồng tiền vay ưu đãi từ ngân hàng CSXH đã giúp gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn biết làm giàu. Chị Nữ kể: “cách đây 14 năm, gia đình mình nghèo lắm, làm thuê mướn mãi mà không có đủ cái ăn. May thay, biết được có chính sách vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo nên mình đã mạnh dạn vay 7 triệu đồng vốn để mua trâu làm sức kéo; cùng với 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch nông thôn. Có tiền, gia đình cải tạo 4 công vườn trồng cam sành. Cây cam hợp đất, sai hoa kết trái. Từ khi được thu hoạch đến nay, trừ mọi chi phí, vườn cam đã cho thu nhập từ 80 -100 triệu đồng/năm”.
Với mức thu nhập này đã giúp gia đình chị Nữ thoát nghèo vào năm 2008. Điều đáng nói, sau khi thoát nghèo, chị Nữ còn giúp nhiều chị em trong ấp cùng làm ăn phát triển kinh tế. Và tháng 8/2013 chị Nữ được bầu làm Tổ trưởng tổ vay vốn Hội phụ nữ ấp 9A2.
Chuyện về gia đình anh Diễm hay chị Nữ chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện về những gia đình nông dân khốn khó bên dòng sông Hậu đã “đổi đời” nhờ vào đồng vốn CSXH. Tôi tin điều đó, bởi sau hơn chục năm trở lại Hậu Giang, những con đường lầy lội; những ngôi nhà lợp lá liêu xiêu… chỉ còn trong hoài niệm. Giờ là những tuyến đường liên thôn, liên xã được đổ bằng bê tông thẳng tắp; những ngôi nhà kiên cố xen lẫn trong vườn cây trái xum xuê… là thứ để người ta dễ dàng nhận ra sự đổi thay to lớn ở vùng quê nghèo sông nước năm nào.
Những ngôi nhà lợp lá xưa kia giờ xây mới khang trang, xen lẫn vườn cây trái xum xuê |
Trụ cột giảm nghèo bền vững
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, nhiều hộ nghèo trên địa bàn các ấp ở Hậu Giang đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, huyện và các cấp, các ngành. Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH đã giúp không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang thoát nghèo bền vững, có cơ hội gia tăng thu nhập, cho con em học hành, sửa chữa nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, chuộc đất sản xuất…
Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang, chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh Hậu Giang đã có gần 35.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 5.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; giúp trên 1.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm… “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội” – ông Triều khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn, năm qua, ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng tới việc chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời, phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới và cho vay bổ sung để giúp người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống… Đáng nói hơn cả, là địa bàn tập trung khá đông đồng bào dân tộc thiểu số nên để bà con sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống còn cử cán bộ kèm cặp, hướng dẫn cách làm ăn, thường xuyên kiểm tra mô hình kinh tế của họ. Nhờ đó, công tác giảm nghèo ở Hậu Giang thời gian qua đã thực hiện theo hướng giảm nghèo bền vững.
Thành công trong hoạt động tín dụng chính sách ở một địa phương còn khó khăn như tỉnh Hậu Giang một lần nữa chứng minh tín dụng chính sách là điểm sáng và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo bền vững ở Việt Nam.
Theo Thanh Tâm/baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn