Theo ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại Nông Lâm Thủy sản, Bộ NN&PTNT, phía Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao với các mặt hàng nông sản của Việt Nam, tức là sẽ kiểm soát từ vùng trồng, nhà máy đóng gói trái cây và tương lai có thể sẽ quản lý nhập khẩu mặt hàng này theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc chứ không "thoáng" như hiện nay.
Chưa kể, nếu nước này siết vấn đề nhập khẩu qua đường mậu biên thì chỉ có 8 loại quả là: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối và mít được phép xuất khẩu chính ngạch, những loại quả còn lại phải chờ kết quả đàm phán mở cửa.
Điều này thực sự đáng lo ngại và các vùng trồng, doanh nghiệp cần nắm thông tin để sản xuất theo yêu cầu thị trường. Bài toán xây dựng thương hiệu, định vị chất lượng cao và chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp Việt.
“Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết giữa quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối để tránh xảy ra tình trạng ứ đọng khi vào chính vụ. Ngoài ra, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ trong việc bảo quản nông sản” - ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại Nông Lâm Thủy sản, Bộ NN&PTNT nhận định.
Hiện nay, trái cây Việt Nam đã thỏa mãn về kiểm dịch thực vật, chinh phục được hơn 40 quốc gia trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Newzealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Chi lê, Argentina, Braxin.
Tuy nhiên, theo thống kê năm 2017, tổng thị phần xuất khẩu rau quả của 4 thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc chỉ đạt khoảng 10%, trong khi có hơn 75% thị phần xuất khẩu rau quả là Trung Quốc.
Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn nhưng hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu nhập khẩu tiểu ngạch, lượng và giá nhập luôn thất thường.
Đơn cử, dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua riêng tỉnh Lạng Sơn mỗi ngày có đến 1.200 xe container và tải hạng nặng chở nông sản để xuất qua Trung Quốc nhưng năng lực thông quan chỉ 800 xe khiến hàng bị ùn ứ, ảnh hưởng chất lượng nông sản và bị ép giá, thiệt hại về kinh tế.
Với Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc, thời gian tới trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cơ bản được hưởng thuế suất 0%, nhưng để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý hai nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của AQSIQ. Ngoài ra, mặt hàng này còn bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc, có thể coi là rào cản của họ để bảo hộ sản xuất trong nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn