Trang trại nuôi bò của Cty CP Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 ở xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khiến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phải thán phục.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ấn tượng với mô hình chăn nuôi bò thịt quy mô lớn của Cty T&T 159 |
Quy mô 1.200 con bò và trâu sinh sản cùng 2.000 con trâu, bò, bê nuôi lấy thịt chưa phải là quá lớn. Nhưng sự thú vị của trang trại này nằm ở triết lý chăn nuôi “tận thu mọi thứ”, từ giọt nước tiểu cho đến đống phân.
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Cty T&T 159, bật mí: “Ai cũng nuôi bò để bán thịt. Nhưng ngoài thịt trâu, bò, chúng tôi còn bán được thứ có giá trị hơn, đó là phân bón hữu cơ sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi”.
Mỗi ngày, một con bò thịt thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Nếu thu gom hết nguồn phế thải của trang trại, có thể sản xuất tại chỗ được 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày, tương đương khoảng 300 - 500 triệu đồng. Số tiền này đủ để vận hành toàn bộ trang trại trong ngày.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ấn tượng với mô hình chăn nuôi bò thịt quy mô lớn của Cty T&T 159. |
Ngoài ra, để tối ưu hóa lợi nhuận, Cty T&T 159 đầu tư cả nhà máy chế biến thức ăn tại chỗ cho trâu, bò để tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp (như rơm rạ, thân, lá ngô, lõi ngô, cỏ…). Nhờ đó, giá thành 1kg thịt bò hơi giảm được 30.000 - 35.000 đồng so với phương thức nuôi truyền thống.
Với việc tích hợp nhiều công nghệ hiện đại để khép kín chuỗi chăn nuôi, Cty T&T 159 đã thiết lập thành công “vùng lõi” để tạo lập khối liên kết vững chắc với hơn 10.000 hộ chăn nuôi khu vực lân cận.
Một chuồng nuôi bò của Cty T&T 159. |
"Chúng tôi vẫn nói với nhau là T&T 159 đang làm nông thôn mới. Nhưng cách tiếp cận và giải quyết của chúng tôi khác. Nhà nước chi ngân sách để hỗ trợ hộ nghèo. Còn chúng tôi tập trung nguồn lực cho các hộ khá giả để làm việc khó (nuôi bò giống). Những hộ nghèo thường thiếu nguồn lực, thiếu kiến thức, chúng tôi bố trí cho họ làm việc khá đơn giản: Thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp hoặc trồng cỏ, trồng ngô bán cho trang trại. Chúng tôi buộc phải tạo ra một bộ phận nông dân giàu có lên trước, để làm tấm gương lan tỏa cho các hộ nghèo phấn đấu theo. Bên cạnh đó, chúng tôi cùng ngân hàng hỗ trợ tín dụng, đầu tư bò giống, chăm sóc thú y để tạo ra một chuỗi giá trị liên hoàn". (Ông Hà Văn Thắng) |
Ông Thắng chia sẻ: “Chỉ có người dân mới làm được những điều doanh nghiệp không thể làm, đó là tạo ra một vùng chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn. Còn doanh nghiệp sẽ bổ khuyết thứ mà nông dân thiếu, như ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra con giống có chất lượng cao, tiêu thụ, phát triển thị trường”.
“Điểm hay nhất của mô hình này là thời gian từ lúc nhen nhóm ý tưởng đầu tư đến khởi nghiệp thành công chỉ mất 3 - 4 năm. Từ 5ha đất hoang vu, nơi đây đã trở thành một tổ hợp kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc lại câu nói: “Việt Nam đang phấn đấu để 10 năm nữa phải đứng tốp đầu thế giới về nông nghiệp”, thì đây là một bằng chứng chứng minh người Việt Nam có thể làm được.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay tổng sản lượng thịt các loại đại gia súc của Việt Nam khoảng 330.000 tấn, chiếm 6 - 7% tổng sản lượng thịt của ngành chăn nuôi trong nước.
Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng bình quân thịt đỏ khoảng 20%. Rõ ràng, đây là sự mất cân đối trong cơ cấu ngành chăn nuôi.
Bộ NN-PTNT đang tham mưu Chính phủ xây dựng chiến lược chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi trong 10 năm tới, với kịch bản đẩy nhanh tỷ lệ thịt của đại gia súc từ 6 - 7% như hiện nay lên khoảng 15%.
Đồng thời, nâng sản lượng sữa trong nước từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn, tức tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Đây sẽ là hai mục tiêu rất lớn thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc phát triển.
“Tôi muốn Việt Nam không chỉ bán sữa, mà phải bán thịt đỏ cho thị trường thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Thái Bình hãy nuôi trâu, bò để khai phá lợi thếTham gia cùng đoàn của Bộ NN-PTNT tham quan trang trại nuôi bò thịt, bò giống của Cty T&T 159 vào ngày 26/5, còn có ông Nguyễn Hồng Diên (Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình) và ông Đặng Trọng Thăng (Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình).
Hai lãnh đạo chủ chốt của “Quê hương 5 tấn” đang nỗ lực tìm hướng đi mới cho ngành chăn nuôi, nhằm bù đắp thiệt hại của ngành chăn nuôi lợn do dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Ông Nguyễn Hồng Diên chia sẻ: “Mô hình chăn nuôi đại gia súc khép kín của T&T 159 là bài học rất hay để Thái Bình đề ra các chủ trương, chính sách hỗ trợ chuyển đổi một phần chăn nuôi lợn sang nuôi bò. Bởi thực tế, nguồn phụ phẩm nông nghiệp hàng năm của tỉnh Thái Bình rất dồi dào”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh Thái Bình xây dựng những dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc đạt hiệu quả cao, qua đó góp phần làm thay đổi cục diện ngành chăn nuôi Việt Nam. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn