Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng
nông thôn mới trong năm 2017 là trên 3.177 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trung ương là 121 tỷ đồng còn lại là từ ngân sách tỉnh, huyện, xã, các nguồn vốn lồng ghép, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp….
Đến hết năm 2017, Hải Dương phấn đấu bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã; có thêm ít nhất 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 132 xã, đạt 58,4%); huyện Kinh Môn đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, Hải Dương có 38 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, Thanh Hà đăng ký 6 xã, Ninh Giang có 5 xã, Chí Linh có 4 xã….
Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, Hải Dương phân công cho các thành viên trong Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra tiến độ ở các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tỉnh cũng tăng cường huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới như: dành một phần ngân sách địa phương, hỗ trợ của cấp trên và các nguồn lực xã hội hóa cho xây dựng nông thôn mới, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác.
Đặc biệt, Hải Dương cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương xử lý nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới (hết năm 2016, toàn tỉnh Hải Dương còn nợ đọng trên 1.200 tỷ đồng, bình quân mỗi xã nợ trên 5 tỷ đồng).
Trong năm 2017, các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới phải căn cứ vào khả năng của địa phương và nguồn vốn huy động được để xây dựng các công trình có quy mô phù hợp, đảm bảo trước khi trình UBND tỉnh thẩm định thì phải không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với các xã còn lại phải xây dựng kế hoạch trả nợ, đảm bảo mỗi năm trả được ít nhất 30% tổng số nợ của xã tại thời điểm cuối năm 2016. Hải Dương còn tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên những sản phẩm mà địa phương đang sản xuất có thể cạnh tranh, có thị trường ổn định; tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu ở thôn, xã trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống nhân dân như giao thông, thủy lợi, nước sạch, môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân về xử lý rác thải, nước thải từ hộ gia đình....
Đến 30/4/2017, Hải Dương có 102 xã (đạt 45,1%) đạt chuẩn; tổng số tiêu chí nông thôn mới của các xã trong toàn tỉnh đạt 3.652 tiêu chí, bình quân đạt 16,2 tiêu chí/xã. Đến 31/12/2016, tổng số nợ đọng xây dựng nông thôn mới của Hải Dương là 1.216 tỷ đồng. Toàn tỉnh còn 23 xã đạt từ 10 đến 11 tiêu chí./.