Các đồng chí: Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, có lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học.
|
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Tuy thông báo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua. Theo đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa, công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chưa rộng và chưa đáp ứng được yêu cầu. Hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển chưa mạnh. Thu nhập của người lao động trong sản xuất nông nghiệp còn thấp.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị ý nghĩa này tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Đây là cơ hội để tỉnh giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về triển khai chương trình này trong giai đoạn mới; đồng thời đây cũng là cơ hội để Kon Tum quảng bá những tiềm năng, lợi thế đầu tư vào ngành nông nghiệp của tỉnh với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Báo cáo tại hội nghị, giáo sư Nguyễn Tuấn Anh- Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cho biết, trong giai đoạn 2013- 2016, chương trình này đã lựa chọn để triển khai 68 nhiệm vụ, bao gồm 46 đề tài và 22 dự án. Trong số 68 nhiệm vụ nói trên có 35 nhiệm vụ áp dụng cho khu vực Tây Nguyên, trong đó có 30 đề tài nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và các giải pháp khoa học công nghệ để xây dựng nông thôn mới; 05 dự án xây dựng mô hình trình diễn về nông thôn mới, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp về khoa học và công nghệ cho khu vực Tây Nguyên. Hiệu quả bước đầu của chương trình này đã thể hiện ở những tác động lan rộng của các đề tài nghiên cứu, dự án xây dựng mô hình và có những đóng góp thiết thực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong giai đoạn 2016- 2020, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây Nguyên sẽ tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận, nghiên cứu đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới. Định hướng trong thời gian tới, chương trình này đề xuất 3 nhóm giải pháp gồm: giải pháp phối hợp tổ chức thực hiện giữa các đơn vị triển khai dự án với địa phương; giải pháp phối hợp triển khai chương trình này với các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; giải pháp thu hút nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới với các dặc thù riêng trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận về định hướng phát triển cây cà phê, cao su, công nghệ chế biến nông sản, áp dụng phương pháp tưới tiên tiến cho cây trồng ở Tây Nguyên…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp của nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau, bao quát hầu hết các mặt của đời sống nông thôn, gồm cả xây dựng hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Có 3 nhóm tiêu chí rất cơ bản của nông thôn mới cần đạt được gồm: kinh tế và tổ chức sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; môi trường nông thôn và an toàn thực phẩm; an ninh nông thôn, đồng thời cần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vì thế, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 cần bám sát nhu cầu cấp thiết của xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; định hướng rõ các nội dung cơ bản và tập trung nguồn lực để thực hiện.
Tin, ảnh: LS/ Báo kontum
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn