Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từ khóa trước đã giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình này. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội cũng giữ vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà Chương trình xây dựng NTM là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện Nghị quyết.
Nhấn mạnh ý nghĩa của việc xây dựng NTM đối với việc thay đổi đời sống người dân, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng vùng nông thôn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung bố trí ngân sách nhiều nhất cho Chương trình và đa dạng các hình thức thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cách đây gần một tháng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 100 về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, theo đó, tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách cho Chương trình tối thiểu là 193.155,6 tỉ đồng (ngân sách Trung ương là 63.155,6 tỉ đồng và ngân sách địa phương là 130.000 tỉ đồng).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Ít nhất phải bố trí được số tiền như Nghị quyết 100 đã thông qua để thực hiện Chương trình”, đồng thời cho biết, cách cấp phát ngân sách Trung ương cho địa phương cũng thay đổi, đó là chuyển sang giao hết vốn cho địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các địa phương không vì có ngân sách Trung ương cấp để rồi cắt giảm ngân sách địa phương, mà ngược lại, phải bố trí đủ và tiếp tục tìm cách tăng vốn, nhất là việc xây dựng NTM ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo còn rất nhiều khó khăn.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai các hình thức hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, bổ sung và hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp và coi đó là giải pháp quan trọng để nhân rộng các hình thức sản xuất nông nghiệp tiến bộ, nâng cao thu nhập cho người dân và hỗ trợ hiệu quả cho Chương trình xây dựng NTM.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý các đồng chí lãnh đạo địa phương, dù có rất nhiều việc quan trọng, nhưng NTM là công việc hệ trọng cần phải được quan tâm đặc biệt.
Tiếp nối ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về tập trung nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương triệt để tiết kiệm trong việc bố trí công tác nước ngoài, chi tiêu thường xuyên để dồn lực bố trí cho Chương trình. “Chúng tôi ở Trung ương sẽ làm trước để làm gương cho cấp dưới”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, Nhà nước vẫn ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho Chương trình. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỉ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách Nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) là 266.785 tỉ đồng, chiếm 31,34% tổng nguồn vốn huy động.
Riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình trong 5 năm qua là 98.664 tỉ đồng (11,59%). Trong đó, ngân sách Trung ương 16.400 tỉ đồng, ngân sách địa phương các cấp 82.264 tỉ đồng.
Trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều ý kiến của địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể đều cho rằng ngân sách Nhà nước bố trí cho Chương trình phải tiếp tục tăng hơn nữa, ít nhất cũng phải bằng tổng nguồn vốn đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước đảm bảo nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, nên Chính phủ và Quốc hội mới thống nhất dành được hơn 193.000 tỉ đồng để xây dựng NTM trong 5 năm tới, cũng đã cao hơn tới gần 100.000 tỉ đồng so với 5 năm trước.
Mặc dù vậy, việc thực hiện Chương trình sẽ không đơn giản khi nhiều xã còn lại (chưa đạt chuẩn NTM) còn đang rất khó khăn về hạ tầng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đòi hỏi nhiều nguồn lực để thực hiện.
Thành Chung/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn