Uy tín trước hết từ gia đình mình
Làm nghề nông ở xã miền núi còn nhiều khó khăn, chị Liên suy nghĩ, trước hết mình phải có cuộc sống tốt thì mới tham gia được việc xã hội và có uy tín để vận động, định hướng hội viên. Vì vậy, từ nhiều năm nay, ngoài thâm canh hơn 1,8 mẫu ruộng, vợ chồng chị mạnh dạn đấu thầu vùng đất cao cạn ở cuối thôn xây dựng mô hình chăn nuôi bò, lợn, gia cầm và đào ao thả cá…
Đầu tư bền vững, tính toán khoa học, cùng với sự cần cù, chịu khó của các thành viên, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Liên phát triển khá bền vững với nguồn thu hơn 80 triệu đồng/năm. Nhờ đó, vợ chồng chị Liên đã tạo vốn cho các con lập nghiệp và xây dựng nhà cửa khang trang vào loại nhất nhì trong thôn. Ngôi nhà, khu vườn thường xuyên được chị Liên chăm chút từ đẹp nhà, sạch bếp, tới vườn tược, khuôn viên quy củ, trở thành điểm để tuyên truyền, vận động chị em trong chi hội thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Khéo léo sắp xếp công việc và tìm được sự ủng hộ của chồng, con, trong mọi việc, chị Liên đều kéo tất cả các thành viên gia đình mình gương mẫu làm trước. “Những buổi huy động lực lượng xây dựng hạ tầng thôn xóm, hoặc giúp các hộ khó khăn chỉnh trang nhà cửa, chồng tôi luôn sẵn sàng gánh vác việc nặng để hỗ trợ chị em. Nhất là lúc triển khai các công trình, anh ấy luôn là người lo vận chuyển vật liệu về cho chi hội phụ nữ. Vợ chồng tích cực, đồng thuận nên tôi có điểm tựa từ uy tín của gia đình mình để tuyên truyền, vận động, thu hút chị em, người dân trong tổ liên gia vào các phong trào”.
Chẳng có gì hơn sự kiên trì, khéo léo
“Là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn và là tổ trưởng tổ liên gia, trong thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, tôi rất nhiều việc. Để hoàn thành nhiệm vụ, trước hết mình lăn vào mà làm và lấy những hội viên gương mẫu, hộ dân tích cực ra làm nòng cốt, từ đó dần vận động, lan tỏa đến số đông. Làm việc gì cũng phải căn cứ vào thực tiễn thôn mình để triển khai một cách linh hoạt, mềm dẻo. Làm tròn vai trong gia đình, nhận được sự ủng hộ của chồng con thì mình mới đủ điều kiện để “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” - chị Liên chia sẻ.
Đó là chuyện xây mương thoát thải ở thôn Đông Sơn, nơi phần lớn đàn ông đi làm nghề phụ hoặc lao động xa nhà, tất cả ngày công làm NTM hầu như đổ lên vai người phụ nữ. Chị Liên đã đi mòn hết các con đường ngõ xóm để phân tích thực tiễn, kêu gọi sự đồng tình, quyết tâm vào cuộc của các hội viên phụ nữ. Vận động đến đâu, triển khai công việc đến đó, nơi nào dễ làm trước, khó làm sau. Lực lượng chủ công phụ nữ ở thôn Đông Sơn đến nay không chỉ biết lo nhà sạch, vườn đẹp mà còn nhuần nhuyễn cầm bai xây mương thoát thải, bồn trồng hoa, đổ bê tông đường làng, ngõ xóm...
Hay chuyện xây dựng các tuyến đường mẫu làm đẹp các trục thôn, lúc mới triển khai, có người phản biện ngay trong cuộc họp rằng, họ không bao giờ tham gia những việc hình thức này. Thế nhưng, khi chứng kiến Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ trưởng tổ liên gia Nguyễn Thị Liên buổi sáng cùng bà con làm rãnh thoát nước, xây bồn; trưa một mình đánh xe máy đến các xã lân cận xin giống cây, giống hoa, chiều lại cùng chị em miệt mài trồng dọc các tuyến đường, họ đã thay đổi suy nghĩ.
“Lúc đầu, nghe vận động làm đường mẫu cứ nghĩ chị chi hội trưởng phụ nữ không thực tế. Vậy mà bây giờ, ngắm đường làng, ngõ xóm mới thấy rằng đường quê mình thật đẹp. Bây giờ, ngày nào tôi cũng ra đây góp chút sức cùng chị em phụ nữ chăm sóc hàng rào xanh và những thảm hoa trên tuyến đường này” - bà Nguyễn Thị Xuân (80 tuổi) chia sẻ.
Bí thư Chi bộ thôn Đông Sơn Nguyễn Văn Quế cho biết, dù không được lựa chọn từ đầu năm, nhưng trước sự vào cuộc tự giác, hiệu quả của người dân, Đông Sơn đã được xã giao phấn đấu đạt các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu cuối năm nay. Kết quả này đã được bền bỉ xây đắp từ những nhân tố điển hình như Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Nguyễn Thị Liên.
Theo: Mai Thủy/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn