Sau quá trình làm ăn thua lỗ trong lĩnh vực khoáng sản, anh Hứa Văn Tiền (SN 1980, trú tại xóm 7, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã nghiên cứu và quyết định tìm ra hướng đi mới để khởi nghiệp lại. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, với số vốn ít ỏi còn sót lại, anh Tiền đã mạnh dạn nghĩ đến việc trồng và chế biến sản phẩm tinh bột nghệ từ củ nghệ tươi.
Những đồi nghệ bạt ngàn xanh mướt của gia đình anh Hứa Văn Tiền với tổng diện tích 5ha.
Theo anh Tiền, năm 2015, anh trồng thử nghiệm nghệ tươi ở một vài nơi với diện tích khoảng 2 sào. Đến cuối năm 2017, anh mới bắt đầu đưa vào trồng đại trà rồi dần dần mở rộng quy mô diện tích.
Ngoài trồng nghệ trên diện tích đất của gia đình, anh Tiền còn mua thêm nhiều diện tích đất đồi của một số hộ dân trong vùng để trồng thêm với số lượng lớn. Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng nghệ của gia đình anh Tiền đã lên tới 5ha.
Tháng 8/2018, sau khi đã cơ bản ổn định, anh Tiền quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên để sản phẩm bán ra thị trường có thương hiệu và uy tín.
Dẫn PV Dân Việt đi thăm những đồi nghệ, anh Tiền cho biết: “Mô hình trồng nghệ này tôi đã có ý định làm từ lâu bởi tôi nhận thấy nhu cầu thị trường dược liệu đang rất cần. Do vậy tôi quyết định làm mô hình này để cung cấp nguồn dược liệu cho thị trường. Để làm được mô hình này, ngoài số tiền ít ỏi của gia đình, tôi còn vay thêm một khoản tiền lớn từ ngân hàng để đầu tư mua máy móc, thiết bị”.
Theo anh Tiền, nghệ là loại cây trồng ưa đất tơi xốp, chịu hạn tốt nên phù hợp với đất đồi phì nhiêu. Hơn nữa, việc chăm sóc cây nghệ cũng tương đối dễ vì không có sâu bệnh, chủ yếu mất công ở giai đoạn đầu, bởi vậy chỉ cần chú ý bón phân đầy đủ cho cây, không cần phun thuốc.
Anh Tiền cũng cho biết, thời điểm trồng nghệ thích hợp từ tháng 12 đến tháng 3. Sau khoảng 1 năm trồng là đã có thể thu hoạch củ nghệ.
Theo anh Tiền thì nghệ là loại cây trồng ưa đất tơi xốp, chịu hạn tốt nên phù hợp với đất đồi phì nhiêu
Hiện tại, gia đình anh Tiền đang trồng 3 loại nghệ là nghệ vàng, nghệ đen và nghệ trắng nhưng chủ yếu là nghệ vàng. Nghệ sau khi thu hoạch sẽ được mang về để chế biến thành sản phẩm tinh bột nghệ. Hiện nay, với 5ha trồng nghệ, mỗi năm gia đình anh Tiền thu về 85 tấn nghệ tươi các loại. Trung bình 1 tấn nghệ tươi sau khi chế biến sẽ thu được khoảng 30kg tinh bột nghệ.
Anh Tiền cho biết, để có thể trồng và thu hoạch nghệ kịp thời vụ, gia đình anh phải thuê 13 nhân công thời vụ với mức tiền công trồng khoảng 200.000 đồng/người/ngày và 1 triệu đồng/người/tấn tiền công thu hoạch tùy theo từng thời điểm.
Nghệ sau khi đã loại bỏ hết dầu và tạp chất đợi đến khi lắng khô sẽ cho vào phòng sấy ở nhiệt độ từ 15 – 22oC
Để làm ra được sản phẩm tinh bột nghệ hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn trong khoảng thời gian từ 5 – 7 ngày. Nghệ sau khi thu hoạch phải tách, bẻ nhánh rồi cho vào lồng rửa sạch, sau đó cho vào máy nghiền lọc bỏ bã lấy nước.
Tiếp tục cho nước nghệ đã lọc vào bể lắng để loại bỏ dầu, tạp chất; sau đó đưa vào máy vắt lọc ly tâm loại bỏ nốt những váng dầu còn lại; đợi đến khi lắng khô thì cho vào phòng sấy ở nhiệt độ từ 15 – 22oC khoảng 30 giờ đồng hồ; đến khi đạt ở mức khô 85 – 90% thì tiếp tục nâng nhiệt độ lên gấp đôi cho đến khi khô hẳn rồi mang đi nghiền bằng máy để tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ.
Trong quá trình chế biến tinh bột nghệ, cần chú ý công đoạn rửa nghệ phải thật sạch để tránh bụi bẩn và sạn. Đặc biệt, không nên sấy nghệ trong thời gian quá lâu vì sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng của nghệ.
Anh Tiền tâm sự, ban đầu chế biến sản phẩm tinh bột nghệ cũng nhiều lần thất bại, nhưng dần dần anh tự mày mò, học hỏi nên đã thành công. Hiện nay trong gia đình anh có 2 sản phẩm chính từ nghệ là tinh bột nghệ với giá bán ở thời điểm này là 900.000 đồng/kg, và viên nghệ mật ong có giá 1.000.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, gia đình anh cũng bán nghệ tươi cho những ai có nhu cầu với giá 18.000 đồng/kg tuy nhiên số lượng không nhiều, và so với bán tinh bột nghệ thì giá trị thấp hơn nhiều.
Như vậy, bình quân mỗi năm doanh thu từ nghệ của gia đình anh Tiền lên tới trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng/năm. Thị trường bán hàng của gia đình anh chủ yếu trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắk Nông.
Sản phẩm tinh bột nghệ sau khi hoàn thành và đóng hộp.
Ngoài trồng nghệ, anh Tiền còn trồng thêm một số loại dược liệu và cây trồng có giá trị kinh tế cao như đinh lăng, ba kích, trám đen. Anh Tiền cũng chia sẻ, trong thời gian tới, anh có ý định mở rộng thị trường sang Trung Quốc, để sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên ngày càng được biết đến rộng rãi.
Theo Hà Thành/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn