Khách hàng có thể xuống tận đồng rau mua được dễ dàng là bởi người trồng rau hầu như có mặt ngoài đồng cả ngày. Lúc che, lúc dỡ ni-lông, lúc làm cỏ, lúc đúc hành, lúc cắt rau… Họ cứ luôn tay, luôn chân không lúc nào nghỉ. Việc thay đổi tập quán sản xuất và được hỗ trợ tốt về giống cũng như KTKT đã giúp người nông dân ven đô có thể trồng rau quanh năm. Mùa nào rau ấy, những vườn rau ở Thạch Hưng, Văn Yên, Thạch Môn, Thạch Lâm… luôn đáp ứng nhu cầu của người phố thị.
Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng) cho biết: “Các loại rau chủ yếu trồng theo mùa, chừng từ tháng 10 dương lịch đến tháng 2 năm sau là nhiều loại nhất. Chúng tôi chia nhỏ đất để trồng hành, ngò và các loại cải… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Riêng rau cải mầm thì chúng tôi trồng quanh năm. Đây cũng chính là rau “thương hiệu” của Thạch Hưng được khách hàng tin dùng”.
Nếu như Thạch Hưng nổi tiếng với rau cải mầm thì Thạch Môn lại được biết đến là vùng chuyên sản xuất các loại rau cao cấp như su hào, cà rốt, súp lơ, bắp cải, ngọn bầu… Với 16 ha đất đồng và 10 ha đất vườn chuyên sản xuất các loại rau vụ tết, những ngày này, trên những cánh đồng rau, không khí sản xuất rất sôi nổi. Hiện tại, sau khi thu hoạch rau cải, bà con đã tiến hành lên luống, làm mái che vòm thấp để gieo trồng cà rốt, súp lơ, bắp cải phục vụ tết âm lịch.
Bà Đặng Thị Tiềm (thôn Quyết Tiến, xã Thạch Môn) cho biết: “Gia đình tôi có 2 sào đất ở đồng rau. 1 mùa chúng tôi trồng dưa, 1 mùa, trồng rau. Trước đây, mùa vụ cũng bấp bênh do phải phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nay nhờ có giải pháp mái che vòm thấp nên rau sinh trưởng, phát triển khá ổn định. Bây giờ, việc bán rau cũng thuận lợi hơn khi thương lái thường tìm đến mua tận nơi. Giá cả tuy có rẻ hơn bán ở chợ nhưng lại tiết kiệm thời gian, công sức”.
Nghề trồng rau tuy không mang lại thu nhập cao nhưng vẫn được người nông dân ven đô lựa chọn vì so với trồng lúa thì lợi nhuận vẫn cao hơn 6-7 lần. Trong đó, nhiều người còn bỏ vốn đầu tư làm nhà lưới kiên cố, vững chắc để vừa trồng rau, vừa trồng hoa, xen canh, gối vụ quanh năm.
Như trường hợp của ông Trần Quang Vinh (thôn Quyết Tiến, xã Thạch Môn), năm 2017 đã bỏ ra 70 triệu đồng làm nhà lưới phủ 400 m2 đất. Ông cho biết: “Đầu tư nhà lưới tuy mất nhiều tiền nhưng lại có công năng sử dụng lâu hơn và đỡ mất thời gian chăm sóc hơn mái che vòm thấp. Năm nay, ngoài trồng các loại rau, tôi còn kiếm thêm thu nhập từ việc “thầu” ươm giống ớt cho xã. Năm ngoái, tôi còn trồng hoa cúc để bán và cũng cải thiện được thu nhập cho gia đình trong dịp tết”.
Những vườn rau ven đô, ở phương diện nào đó cũng đã tạo nên một nét văn hóa trong tập quán sản xuất nông nghiệp, đồng thời khẳng định sự năng động của người nông dân vùng ven. Từ làng rau Thạch Lâm vào Thạch Bình, Văn Yên xuống Thạch Hạ, Thạch Hưng, Thạch Môn…, ở đâu người nông dân cũng rất nhanh nhạy trong việc thay đổi giống, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiến bộ và cố gắng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo: Phong Linh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn