Đường giao thông nông thôn ở xã nông thôn mới Núi Voi (Tịnh Biên).
Từ năm 2011 đến nay, vượt qua mọi khó khăn, An Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và sự tham gia phối hợp của các sở, ban ngành, địa phương cũng như sự đồng thuận của người dân, 6 năm qua, công cuộc XDNTM ở An Giang có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, An Giang đã có 21/119 xã được công nhận xã NTM, trong đó 2 đơn vị (TP.Long Xuyên và Châu Đốc) có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đang đề nghị cấp trên công nhận hoàn thành chương trình XDNTM. Riêng giai đoạn 2011 -2016, toàn tỉnh đã huy động được tổng nguồn lực gần 6.057 tỉ đồng để XDNTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2016 đạt 32 triệu đồng/người, tăng hơn 15 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 1,34%/năm.
Để đạt được kết quả đáng khích lệ như trên, ngành nông nghiệp An Giang với vai trò nòng cốt đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ trong công cuộc XDNTM ở địa phương. Bên cạnh đó, An Giang cũng đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; ban hành đồng bộ các cơ chế quản lý và đầu tư xây dựng, huy động mọi nguồn lực xã hội để thu hút vốn đầu tư.
Công tác truyền thông được quan tâm và xác định phải đi trước. Theo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tổ chức các diễn đàn truyền hình trực tiếp “An Giang xây dựng nông thôn mới”; Hội Nông dân tỉnh tổ chức cuộc thi “Nông dân giỏi tham gia xây dựng nông thôn mới”; một số huyện như Thoại Sơn, Chợ Mới, TX.Tân Châu... tổ chức các hội thi cán bộ cấp huyện, cấp xã về “Nâng cao kiến thức xây dựng nông thôn mới”. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với việc xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “5 không - 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới”; Đoàn Thanh niên thực hiện cuộc vận động “Thanh niên tham gia làm cầu đường, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn”…
Đồng thời với tuyên truyền, công tác vận động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ các cấp về XDNTM cũng được An Giang đặc biệt quan tâm. Với cơ chế huy động vốn đầu tư thực hiện chương trình XDNTM phù hợp với cộng đồng dân cư (doanh nghiệp hỗ trợ, người dân đóng góp bằng giá trị đất) đã tạo mặt bằng và kinh phí xây dựng công trình XDNTM. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế xã, trung tâm văn hóa thể thao xã, hệ thống cấp nước sinh hoạt...
An Giang đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 có 61/119 xã đạt chuẩn NTM (51,2%). Bình quân toàn tỉnh đạt ít nhất 15 tiêu chí/xã. Phấn đấu xây dựng huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới phải được duy trì và nâng cao chất lượng. Riêng trong năm 2017, phấn đấu có thêm ít nhất 10 xã NTM; nâng tổng số xã được công nhận NTM lên con số 31/119 xã.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về XDNTM; tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo: Nguyễn Văn Bớt/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn