Hai thông điệp lớn
Thứ nhất, Nhà nước giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Thứ hai, DN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước theo cơ chế thị trường.
Hai thông điệp về cổ phần hoá của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 thêm một lần nữa được nhìn thấy trong thái độ rất cứng rắn và cương quyết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Ông cho biết, sẽ ký ngay các văn bản để làm nền tảng đẩy nhanh quá trình này bởi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017 mà các thành viên Chính phủ phải thực hiện. Cá nhân lãnh đạo các bộ, ngành, chủ tịch các tập đoàn DNNN chịu trách nhiệm và phải báo cáo lộ trình thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa đơn vị mình trong nhiệm kỳ. Bộ nào không thực hiện hoặc chậm thực hiện, bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm. Không để tình trạng lãnh đạo vừa họp với Thủ tướng Chính phủ xong, tài liệu để quên trong ngăn bàn, rồi không thực hiện. Làm chậm cũng bị xử lý, không làm thì phải đổi lãnh đạo khác.
Bên cạnh đó, mô hình cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN cũng đã được lãnh đạo Chính phủ chốt lại để quản lý hơn 5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước nằm ở DN sẽ là một Ủy ban trực thuộc Chính phủ. Và như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề án này đang trong quá trình hoàn tất và sẽ sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện bộ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN giai đoạn 2016-2020 và lên danh sách các DNNN sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn này, đồng thời tạo cơ chế gắn cổ phần hóa DNNN với niêm yết trên TTCK nhằm tạo sự minh bạch và thuận tiện cho việc thực hiện giám sát lộ trình triển khai cũng như hiệu quả hoạt động của DNNN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là việc cần triển khai quyết liệt trong thời gian tới, bởi nếu chúng ta cứ ngại không làm, cứ để mãi vậy thì sẽ không thể sắp xếp, cổ phần hóa được DNNN… Nếu thực hiện đúng lộ trình và đúng cách sẽ giúp thay đổi quản trị DNNN, tạo điều kiện cho DN tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ.
Động lực từ cổ phần hóa
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự quyết tâm của Chính phủ là một hướng đi rất đúng đắn, một mũi tên trúng nhiều đích. Bởi lẽ sắp xếp đổi mới và cổ phần hóa DNNN không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN mà còn tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, quan trọng hơn nó giúp tạo kênh dẫn vốn cho nền kinh tế thông qua TTCK, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng như lâu nay.
Nhìn lại kết quả việc sắp xếp đổi mới và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2015, tổng số DNNN được sắp xếp từ trước đến nay là 5.950 DN, trong đó cổ phần hóa là 4.460 DN và bộ phận DN. Qua sắp xếp, tính đến 31/12/2015, cả nước còn 778 DNNN và đến hết tháng 10/2016 vẫn còn 718 DNNN. Riêng năm 2016 cả nước đã cổ phần hóa 52 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 DN: giải thể 10 DN, phá sản 1 DN, bán 1 DN. Nhà nướccũng đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại DN khác với tổng giá trị sổ sách là 4.493,7 tỷ đồng, thu về NSNN 7.098,86 tỷ đồng.
Như vậy, nếu thời điểm 2001, DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Vốn chủ sở hữu DNNN tăng từ 810 nghìn tỷ đồng lên 1,234 triệu tỷ đồng, tổng tài sản tăng từ 2,274 triệu tỷ đồng lên 3,105 triệu tỷ đồng.
Đáng nói là tổng hợp kết quả hoạt động 350 DN sau cổ phần hóa năm 2015 của Bộ Tài chính cho thấy, so với năm trước khi cổ phần hóa, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.
Sự ra đời các CTCP qua cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy TTCK, thị trường tài chính phát triển. Thông qua cổ phần hóa, Nhà nước có thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; DN có điều kiện để huy động các nguồn lực đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thêm nhiều quyết sách
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, quá trình sắp xếp, cơ cấu DNNN diễn ra chậm. Tuy giảm mạnh về số lượng nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thoái vốn còn thấp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN so với nguồn lực đang nắm giữ cũng mới chỉ ở mức khiêm tốn, một số DNNN có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao và còn tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Ở góc nhìn của người trong cuộc, ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, cổ phần hóa chính là con đường tốt nhất để đổi mới, cạnh tranh và hội nhập. Tốc độ cổ phần hóa chậm vì các DNNN không có sự quyết liệt, thiếu tự giác, thiếu trách nhiệm với Chính phủ, với đất nước.
Tự nhận bản thân mình cũng như các chủ tịch tập đoàn kinh tế Nhà nước là “các ông chủ giả” sống bằng tiền Nhà nước khỏe hơn nhiều so với tự bỏ tiền ra đầu tư, trong khi vẫn ung dung nhận lương như những ông chủ thật, không phải chịu áp lực nào khác ngoài việc phải bảo toàn và phát triển vốn, mà việc này, là quá đơn giản, chỉ cần ngồi không, không làm gì…
Chính vì vậy theo ông, trong cổ phần hóa, Chính phủ phải hết sức cân nhắc để làm sao đảm bảo cho DN hoạt động hiệu quả, cổ đông chiến lược phải là những người tâm huyết đi đường dài cùng DN chứ không phải là lướt sóng, thì mới có thể giúp DNNN sau cổ phần hóa trở nên mạnh mẽ và phát triển bền vững. Vị này còn đề nghị Chính phủ cử “đặc phái viên” xuống DN để thúc đẩy quá trình này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện phân loại và sắp xếp DNNN theo tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước và danh mục DNNN thực hiện cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng và công bố danh mục DNNN thực hiện sắp xếp cổ phần hóa hàng năm làm cơ sở cho triển khai thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, giám sát.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước, gắn với việc bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Đặc biệt, trong cổ phần hóa DNNN, Chính phủ sẽ nghiên cứu quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản Nhà nước tại DN để cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; quy định về thuê tư vấn quốc tế cổ phần hóa; thuê tư vấn và thực hiện việc bán cổ phần Nhà nước tại DN trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định về việc xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai, quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao; bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Nhất là việc yêu cầu các DNNN cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu... Đây chắc chắn sẽ là những liệu pháp hữu hiệu để quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN sẽ đạt được thành công trong giai đoạn tới.
Trần Hương
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn