Người nông dân nên làm gì để tăng thu nhập và cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường? Đó là trăn trở của chị Đỗ Thị Đạt ở thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng, Bình Phước. Nghĩ là làm nên chị Đạt tự chế ra thuốc trừ sâu, ủ phân hữu cơ để tạo ra thế giới rau sạch của riêng mình.
Thôn 4, xã Long Hà nơi chị Đạt đặt làm cơ sở rau sạch, là nơi có nguồn đất không được màu mỡ so với những lớp đất tơi kế bên. Những tảng đá bàn, đá hộc nổi lên lổm chổm như thách thức người nông dân giữa vùng đất đỏ bazan rộng lớn.
Vườn rau sạch luôn xanh mướt, cung cấp cho thị trường toàn tỉnh |
Không quản ngại khó khăn, chị Đạt đã dày công xúc từng rổ đất thịt khỏa lấp lên từng tảng đá khô cằn. Dưới sức bền bỉ của con người, vùng đất cằn đã trở thành một vườn rau xanh tốt, mát mắt.
Những năm 1990, Đạt theo ba mẹ từ Hà Tây (cũ) vào xã Long Hà lập nghiệp. Đạt lấy chồng, sinh con rồi vẫn sống kiếp làm thuê nơi xứ người. Cuối năm 2012 khi các con đã lớn, Đạt mạnh dạn bắt tay vào trồng rau, tìm một hướng đi mới để cải thiện kinh tế gia đình, chuẩn bị cho con vào đại học. Ban đầu Đạt thuê được 2 sào đất trồng rau truyền thống bán ngoài chợ.
Nhận thấy thị trường cần một lượng lớn rau sạch, Đạt mạnh dạn thuê thêm đất, vay vốn ngân hàng, vay nợ lãi để đầu tư hệ thống tưới tiêu cho khu vườn của mình. Ngược lên TPHCM, Đạt tìm các nhà cung cấp cây giống chất lượng tốt để bắt tay vào trồng rau sạch trong nhà lưới. Là một trong những người tiên phong mở đường cho rau sạch Bình Phước hướng về thị trường toàn tỉnh.
Từ 2 sào đất thuê của một người hàng xóm, chị Đạt mở rộng dần lên 1ha. Rồi từ 1ha đất, người phụ nữ đảm đang ấy đã mở rộng lên 3ha. Và hiện tại vườn rau của chị đã lên đến 6ha. Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực trồng cải bẹ xanh và rau dền cơm, chị Đạt chia sẻ: "Đã gọi là sạch có nghĩa là không dùng thuốc hóa học, phân hóa học. Tất cả mọi sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu của mình đều làm từ chất hữu cơ vi sinh. Tận dụng những nhánh rau già úa, tôi đào hố lấp xuông, ủ thành phân bón cho cây. Ớt tươi, gừng, xoan đắng, rượu gạo được ngâm ủ đậm đặc rồi đem phun lên lá để diệt trừ sâu, kiến".
Ngoài nguồn nước đầy đủ, sau mỗi vụ thu hoạch, chị Đạt lại cho nhân công cày xới một lớp đất mỏng phơi khô mấy ngày. Đây được gọi là thời gian “xả đất” để đất nghỉ ngơi, lấy lại sự tơi xốp, chuẩn bị cho một vụ gieo trồng mới. Hiện tại vườn của chị Đạt có các loại rau dền cơm, bí ngòi, cải đắng, cải ngọt, đọt lang…
Từ trồng các loại rau xanh truyền thống, chị Đỗ Thị Đạt đã mở rộng sang trồng thêm nấm bào ngư xám. Nấm được chị làm trọn các công đoạn từ khâu chọn mùn, ủ mùn, cấy phôi đến tìm kiếm thị trường. Chị bảo: "Loại này chỉ ưa một loại mùn gỗ cao su là tốt nhất. Nếu bị lẫn tạp chất của loài gỗ mủ nâu, mủ xám thì chất lượng nấm không cao, không ngon".
Nấm bào ngư xám giúp chị Đạt trở thành điển hình nông dân vượt khó làm giàu ở Bình Phước |
Chị Đạt dự kiến sẽ trồng 4 sào nấm bào ngư. Khi chúng tôi đến, chị đã trồng được 2 trại nấm đang cho thu hoạch. Mỗi trại nấm như vậy có sức chứa 14.000 bịch phôi nấm. Mỗi ngày chị thu khoảng 150kg thành phẩm nấm từ hai nhà trại. Với giá bán 30 ngàn đồng/kg, trung bình thu 4,5 triệu đồng/ngày, tương đương 135 triệu đồng/tháng. Vì cây nấm cho năng suất tốt như vậy nên chị đang mở rộng xây dựng thêm 10 trại nấm khác để cung cấp cho thị trường.
Với loại nấm bào ngư thường mắc bệnh nấm hồng, nấm cam. Chị Đạt thường xuyên theo dõi, phát hiện mầm bệnh là tách ra khỏi “cộng đồng” liền. Thông thường chị hái nấm khoảng 10 - 15 lần, sau đó thay phôi khác. Chị bảo: “Nếu mình lấy nhiều, chất lượng nấm bào ngư sẽ giảm, không còn ngon nữa”.
Chăm sóc trại nấm mới lên dàn |
Mỗi ngày, chị Đạt cung cấp 1 tấn rau cải, rau dền và 450kg bí đọt ra thị trường. Với giá bán trung bình từ 12 - 15 ngàn đồng/kg, rau sạch đã cho thu lời hơn 1 tỷ đồng/năm. Tháng 8/2017, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã tập huấn kỹ năng chăm sóc cho vườn rau của chị, để chuẩn bị đăng ký SX theo VietGAP. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn