Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tủa Chùa.
Đẩy mạnh khai hoang
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tủa Chùa cho biết, chính sách về hỗ trợ khai hoang, phục hóa đang được huyện thực hiện hiệu quả nhiều năm nay. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang, người dân có thể tự tạo bằng lao động thủ công hoặc thuê máy móc. Năm 2015, có 878 hộ ở 11 xã trên địa bàn huyện được hỗ trợ đã khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang được 877.354m2 với tổng số tiền hỗ trợ trên 1,143 tỉ đồng.
Năm 2016, các cơ quan chuyên môn của huyện Tủa Chùa phối hợp với chính quyền các xã nghiệm thu diện tích đất khai hoang, phục hóa, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang cho người dân với tổng diện tích 122,5ha; trong đó, cải tạo thành ruộng bậc thang 72,86ha, phục hóa 49,65ha.
Năm 2017, huyện Tủa Chùa phấn đấu nâng tổng sản lượng lương thực có hạt lên 21.699 tấn, trong đó, sản lượng lúa 12.633 tấn; sản lượng ngô đạt 9.066 tấn. |
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chi trả kinh phí hỗ trợ khai hoang với tổng số tiền hơn 1,09 tỷ đồng cho 1.046 hộ ở các xã: Huổi Só, Tả Sìn Thàng, Trung Thu, Sính Phình, Tả Phìn, Lao Xả Phình, Xá Nhè, Tủa Thàng, Sín Chải. Còn lại 2 xã (Mường Đun, Mường Báng) đã chi trả trong quý II/2017. Những xã có diện tích khai hoang nhiều là: Xá Nhè 26,5ha, trong đó tạo ruộng bậc thang là 17,5ha, còn lại là phục hóa; xã Mường Đun khai hoang 6,2ha, phục hóa 5,7ha...
Nhờ cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang, người dân 2 xã Xá Nhè và Mường Đun đã gieo cấy được vụ lúa đông xuân năm 2017; một số đất ven suối cũng được cải tạo thành ruộng cấy lúa. Nhờ bà con áp dụng các kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc theo quy trình được khuyến cáo nên lúa phát triển tốt, cho năng suất cao trên những mảnh ruộng mới khai hoang ở Tủa Chùa.
Hỗ trợ sản xuất
“Trên cơ sở kế hoạch dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn các xã, năm 2016, Phòng Nông nghiệp và PTNT Tủa Chùa đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiệm thu và giải ngân hỗ trợ mua 62/62 con trâu, bò sinh sản; 484 con lợn, 774 con dê giống địa phương và 23.878 con gia cầm các loại cho 1.165 hộ và hỗ trợ 12.241 cây ăn quả các giống: mít Thái Lan, xoài Thái Lan, cam Vinh và vải cho 194 hộ tại 2 xã Tủa Thàng và Sính Phình…”, ông Tuân cho biết thêm.
Nông dân bản Tà Si Láng, xã Tủa Thàng phun thuốc trừ cỏ cho ngô.
Năm 2016, huyện Tủa Chùa cũng đã xây dựng được 8 mô hình phát triển sản xuất, trong đó có 2 mô hình trồng trọt (lạc và cam đường Canh), 6 mô hình chăn nuôi (dê địa phương, gà lai chọi và ngan Pháp) với 378 hộ trên địa bàn các xã: Mường Báng, Trung Thu, Sín Chải và Lao Xả Phình tham gia. Hỗ trợ 122 bộ máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiết bị chế biến nông sản cho 50 hộ và 70 nhóm hộ tại các xã: Sá Phình, Tả Sìn Thàng, Huổi Só, Xá Nhè, Tả Phìn, Mường Báng và Mường Đun. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn hỗ trợ của địa phương, Tủa Chùa đã hỗ trợ 6 bộ thiết bị máy móc phục vụ sản xuất cho 6 nhóm hộ tại 2 xã Xá Nhè và Tả Phìn.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, tin rằng đồng bào các dân tộc ở huyện Tủa Chùa sẽ ngày càng mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Theo: Đỗ Hùng/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn