Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp, Kế hoạch này được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.
Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển trồng mới 3 - 5 vùng sản xuất bưởi theo chuỗi giá trị và an toàn, với quy mô 90 ha. Đồng thời ghép cải tạo vườn tạp, vườn bưởi kém hiệu quả quy mô 2 ha; xây dựng 1 nhãn hiệu; duy trì, phát triển 2 nhãn hiệu tập thể và xây dựng 2 quy trình kỹ thuật ghép cải tạo và tái tạo.
Địa điểm triển khai dự kiến trên 15-20 hợp tác xã, nhóm hộ của 7 huyện ngoại thành Hà Nội. Cơ cấu giống có bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi chua đầu tôm Sài Sơn. Thời gian thực hiện từ tháng 1 đến tháng 10/2020. Đồng thời ghép cải tạo vườn bưởi kém hiệu quả bằng những giống bưởi có hiệu quả kinh tế cao để sau 2 năm năng suất bằng 70% năng suất của vườn bưởi đã trồng 8 - 10 năm.
Việc xây các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung bưởi phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sản xuất hàng hóa, đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt tiến tới tạo thành vùng chuyên canh theo hướng xuất khẩu.
Kế hoạch cũng chỉ rõ, phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và các giống bưởi đặc sản Hà Nội phải theo đúng quy hoạch được duyệt, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó cần sử dụng giống sạch bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, sơ chế biến, bảo quản; hỗ trợ đúng đối tượng, chế độ chính sách hiện hành, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, dân chủ.
Lựa chọn cơ sở, nhóm hộ có khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình và tuyên truyền vận động các hộ khác học tập làm theo. Đồng thời phối hợp doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm bưởi.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn