Nhờ huy động nhiều nguồn lực, phát huy nội lực; sáng tạo, năng động trong cách làm; được người dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia, công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Tuy Phước đã đạt kết quả khả quan, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện.
Thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Tuy Phước đã tập trung các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ XDNTM. Trong giai đoạn 2011- 2015, huyện đầu tư hơn 188,8 tỉ đồng; trong đó vốn của huyện và xã hơn 106,4 tỉ đồng, người dân đóng góp hơn 4,2 tỉ đồng (góp tiền và 47.634 m2 đất) để xây dựng hạ tầng nông thôn. Đây là nỗ lực lớn của huyện và các xã trong điều kiện kinh tế còn nhiều biến động, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn.
Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa, cho biết: Để có nguồn lực đầu tư, xã chọn giải pháp huy động nhiều nguồn cùng lúc, một mặt tiếp nhận nguồn vốn Chương trình XDNTM của Trung ương, vốn của tỉnh, huyện hỗ trợ, đồng thời tranh thủ huy động đầu tư từ các Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa”, vận động nhân dân hiến đất... cùng với ngân sách xã xây dựng các công trình hạ tầng. Từ năm 2011 đến 2015, Phước Nghĩa đã huy động gần 28 tỉ đồng đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn. Đến tháng 5.2015, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Phước An là xã có tốc độ bứt phá XDNTM nhanh nhất huyện. Từ 2011 đến 2014, xã đã huy động được hơn 52 tỉ đồng đầu tư vào các lĩnh vực. Ông Hồ Trung Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Phước An, cho biết, xã không thuộc diện XDNTM giai đoạn 2011-2015, nhưng với quyết tâm cao, thực hiện chắc từng tiêu chí, đến tháng 3.2014 xã đạt 19/19 tiêu chí, là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh cán đích NTM trong năm 2014.
Hơn 4 năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện được tập trung đầu tư, hoàn thiện ở 11 xã XDNTM. Cụ thể, 103 km đường bê tông giao thông nông thôn được xây dựng ở 11 xã, 70% đường trục thôn được cứng hóa; 60 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; đầu tư, nâng cấp, mở rộng các chợ: Tân Thuận (Phước Thuận), Háo Lễ (Phước Quang), chợ Phước Nghĩa, Phước Sơn…; xây dựng, nâng cấp 185 phòng học và nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn; xây dựng các nhà văn hóa và khu thể thao…
Về phát triển sản xuất, mô hình thâm canh cây lúa trên chân 2 vụ, mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt 1.800 ha đến năm 2015, đưa năng suất cao hơn năng suất bình quân chung 9,2 tạ/ha; gần 100% diện tích sản xuất lúa được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch... Huyện đã sáp nhập 23 HTX thành 16 HTX, giúp tăng năng lực vốn, tăng doanh thu và lợi nhuận. Có 12.260 lao động được tạo việc làm từ các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Các chính sách giảm nghèo được triển khai có hiệu quả, giúp 3.863 hộ thoát nghèo. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 32,1 triệu đồng/năm, tăng gần 14,3 triệu đồng so với 2010.
Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Đến nay, huyện có 4 xã (Phước An, Phước Hưng, Phước Nghĩa và Phước Thành) hoàn thành XDNTM; 2 xã Phước Lộc và Phước Sơn phấn đấu về đích trong năm 2015; 5 xã còn lại sẽ về đích trong giai đoạn 2016-2020. Chương trình XDNTM cùng với phong trào toàn dân chung sức XDNTM đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; kinh tế nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; bộ mặt nông thôn Tuy Phước ngày càng đổi mới và khởi sắc.
Theo: baobinhdinh.com.vn