Bị “mê hoặc” bởi rau an toàn
Người mà chúng tôi gặp không thể hiện hình ảnh ông chủ của một trang trại rau lớn ở xã Vĩnh Tân, mà là một người nông dân thực thụ, gần gũi và chân chất. Tại đây, ông Ánh cho biết, trước khi trồng rau an toàn, ông đã đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi như huyện Củ Chi (TP.HCM) và Đồng Nai. Ông thấy ở các trang trại đều trồng rau sạch và choáng ngợp bởi thu nhập “khủng” từ rau sạch của các nông dân ở các vùng trồng rau đó.
Ông Vũ Văn Ánh đang thu hoạch rau an toàn để xuất bán cho các mối hàng trong vùng. Ảnh: Minh Cảnh
“Họ chỉ có hơn 1ha đất vườn, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào trồng rau theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm đã mang lại giá trị kinh tế rất lớn… Ngoài trình độ sản xuất cao của họ, tôi còn bị mê hoặc bởi yếu tố chất lượng, môi trường và ý nghĩa của việc trồng rau an toàn…”- ông Ánh kể lại.
Vốn là người cần cù và nhanh nhạy với cái mới, lại quá quen với việc nhà nông, ông Ánh nung nấu quyết tâm sẽ mang những kỹ thuật mới, mô hình mới trong việc làm nông nghiệp ở những nơi mình tham quan về áp dụng ở vùng đất Vĩnh Tân quê ông.
Trồng rau khép kín, lợi nhuận cao
Giới thiệu với chúng tôi về nhà lưới trồng các loại rau ăn lá diện tích 10.000m2 với những luống rau ngay ngắn, tươi xanh, ông Ánh phấn khởi cho biết: “Tôi áp dụng công nghệ trồng rau an toàn có cải tiến để phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sẵn có. Hệ thống nhà lưới được làm theo đúng kỹ thuật, lắp ghép bằng những chốt móc, có thể xê dịch khi có gió bão. Đồng thời, tôi áp dụng hệ thống tưới tự động có 3 chế độ tưới: Phun sương, phun tỏa, phun mưa. Nước tưới rau luôn được xử lý kỹ qua bể lọc…”.
Ông Vũ Văn Ánh đang kiểm tra sự phát triển của luống rau mồng tơi trong trang trại trồng rau an toàn rộng 1 ha của gia đình.
Hoạt động trồng rau được ông Ánh tuân theo một quy trình khép kín nên cũng khá đơn giản. Đất trồng rau không phun thuốc diệt cỏ, không phun thuốc trừ sâu hóa học. Giống rau thì được ông Ánh nhập từ Đài Loan, Hà Lan. Ông tuyệt đối không dùng giống rau biến đổi gen, không dùng các loại hạt giống, rau giống có xử lý thuốc kích thích sinh trưởng.
So với rau trồng theo kiểu truyền thống, rau của gia đình ông Ánh cho sản lượng luôn cao hơn gấp 2 - 3 lần. Ông Ánh cho hay, nắm vững lịch thời vụ sẽ giúp cho hoạt động cung ứng rau ra thị trường luôn được duy trì ổn định.
Gần với khu nhà lưới, ông Ánh đã đầu tư một hệ thống phục vụ sau thu hoạch, sơ chế rau rất hiện đại. Mỗi ngày, khoảng 3 – 4 tấn rau an toàn được tập trung về khu vực sơ chế để phân loại, rửa sạch và đóng gói cẩn thận. Trên bao gói có đầy đủ các thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc.
Các loại rau được ông Ánh xuất cho các mối hàng với giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, từ trồng rau, gia đình ông Ánh có nguồn thu lên tới cả trăm triệu đồng. Hàng ngày có gần 8 lao động miệt mài làm việc tại trang trại trồng rau 1ha của gia đình ông.
Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong những năm tới, ông Vũ Văn Ánh cho biết: “Mong muốn của tôi là sẽ “phủ sóng” rau sạch, rau an toàn đến nhiều khách hàng, để ai ai cũng được sử dụng những loại rau sạch, rau an toàn. Dự kiến từ năm 2020, gia đình tôi sẽ phát triển thêm ít nhất 1ha rau an toàn nữa và rộng thị trường tiêu thụ đến tất cả các trường học trong vùng.
Mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ cao của ông Vũ Văn Ánh đã khẳng định tính hiệu quả. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhất là những nơi có yêu cầu cao như các bếp ăn tập thể, cửa hàng thực phẩm sạch... Vì thế, Hội Nông dân xã sẽ khảo sát, đánh giá thực tế và sẽ có các bước hỗ trợ nhân rộng mô hình này”, ông Châu Thanh Ngoản-Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn