Làm giống, trồng trọt nhiều loại cây trồng, thu mua sản phẩm nông nghiệp, cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, có thể nói ông Trịnh Văn Tùng đã tạo ra một quy trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp.
|
Ông Trịnh Văn Tùng đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 60 lao động với mức lương ổn định. Ảnh: D.Q |
Cơ giới hóa nông nghiệp để làm giàu Trong vườn ươm giống rộng mênh mông, ngoài hàng chục nhân công đang mải miết tỉ mỉ ngồi ghép chồi cà chua, thì các công đoạn khác hầu hết đã có máy móc phụ trợ. Ông Tùng chia sẻ, từ nghiền đất, máy dồn đất vào vỉ xốp, máy gieo hạt…, tất cả những công đoạn nào máy móc có thể thay thế, ông đều sử dụng để giảm chi phí lao động.
“Ông Tùng là nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất giỏi cũng như xây dựng nông thôn mới. Ông và gia đình là hạt nhân tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Ka Đô chúng tôi, đã được nhiều cấp, nhiều ngành khen thưởng trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”. Bà Lê Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đô nhận xét. |
“Chất lượng công việc đồng đều hơn khi sử dụng máy móc nên tôi cố gắng thay thế tất cả các khâu có thể để tăng năng suất, giảm lao động tay chân để giảm giá thành sản phẩm. Các loại máy móc của tôi đều sử dụng hàng Việt Nam, chủ yếu là sản xuất ở các cơ sở trong tỉnh như Hồng Chương, Thanh Trị…”. Vườn ươm giống của ông có khả năng cung cấp từ 40-50 ngàn cây giống/ngày, đủ loại như cà chua, cải xanh, ớt ngọt, cải thảo…
Ông Tùng vốn sinh ra và lớn lên trên đất rau Ka Đô và là nông dân chính hiệu. Nhà ông có 8 ha đất được luân canh xoay vòng, trồng nhiều loại rau thương phẩm khác nhau, trong đó chủ đạo là cây cà chua vì ông đánh giá cà chua là cây tiềm năng của đất Ka Đô. Cà chua của vườn nhà ông đã theo thương lái tới tận Quảng Nam Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây…
Ông Trịnh Văn Tùng còn tổ chức liên kết với hàng chục nông hộ, cung cấp giống, phân bón và thu mua sản phẩm. Ngoài ra, ông còn có vựa thu mua rau củ, mỗi ngày, vựa của gia đình thu mua khoảng 20-30 tấn nông sản các loại với giá ổn định. Cửa hàng vật tư nông nghiệp của ông cũng là địa chỉ tin cậy của bà con vì ông sẵn sàng bán phân bón, thuốc BVTV trả chậm cho nông dân.
Doanh thu của gia đình ông Trịnh Văn Tùng lên tới con số hàng tỷ đồng/năm, là một trong những tỷ phú đất rau của Đơn Dương.
Nhiệt thành xây dựng quê hương Là người địa phương, lại chịu khó làm ăn, có uy tín trong cộng đồng, khi nhà nước có chủ trương làm đường, ông Tùng đều tích cực vận động bà con hiến đất làm đường, làm hội trường, đóng góp kinh phí theo quy định. Riêng phần ông, ngoài đóng góp theo quy định, ông còn đóng thêm gần 300 triệu đồng để xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng của địa phương.
Chỉ rất nhiều con đường trong xã Ka Đô, chị Nguyễn Thị Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã khoe, đây đều là những con đường “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng nông thôn mới. Và, trong việc hình thành những con đường rộng rãi, khang trang đó có sự đóng góp rất nhiều từ ông Trịnh Văn Tùng.
Ông Tùng bộc bạch: “Nhà nước xây dựng nông thôn mới chính là cho nhân dân được hưởng thụ, bản thân mình là người ở đây phải chung tay đóng góp với bà con là điều rất bình thường. Ka Đô là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, tôi gắn bó và yêu thương mảnh đất này”. Sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Trịnh Văn Tùng đã khiến việc huy động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới của Ka Đô nhanh chóng và thuận lợi hơn.