NCSEIF - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó có thể nói các doanh nghiệp (DN) là lực lượng nòng cốt, tham gia tích cực và có hiệu quả thiết thực, đặc biệt là trong thực hiện đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.
Vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu
Từ thực tế xây dựng NTM tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, để tăng giá trị lao động, giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, rất cần bàn tay của DN. Theo báo cáo của 11 xã thực hiện thí điểm mô hình xây dựng NTM của Trung ương trong hơn 3 năm qua cho thấy, nơi nào thu hút được DN về thì nơi đó kinh tế phát triển nhanh, thu nhập của người dân được nâng cao. Tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), trong những năm qua, các DN đã đầu tư tại địa phương, xây dựng vùng sản xuất rau quả nguyên liệu, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tại xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư vùng sản xuất nguyện liệu thuốc lá, hợp đồng thu mua sản phẩm cho nông dân, xây dựng mối liên kết doanh nghiệp - nông dân trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, xã tạo dựng được vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Với những địa phương có lợi thế phát triển các khu công nghiệp, đưa doanh nghiệp về đầu tư xây dựng khu công nghiệp, phát triển ngành nghề công nghiệp như: May mặc, chế biến, gia công sản xuất... cũng là hướng phát triển vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Điển hình, tại Nam Định đã có hơn 50 DN dệt may trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư xây dựng nhà xưởng, gắn bó lâu dài với địa bàn nông thôn. Doanh nghiệp nhỏ cũng thu hút từ 300 đến 500 lao động, còn phát triển quy mô lớn như Công ty Cổ phần May Sông Hồng đang tạo việc làm cho gần 2.000 lao động nông thôn huyện Xuân Trường. Trong năm 2012, Công ty này sẽ đưa vào hoạt động khu sản xuất mới tại cụm công nghiệp xã Hải Phương (Hải Hậu), dự kiến thu hút thêm 2.000 lao động nông thôn nữa.
Theo các nhà doanh nghiệp, việc đưa nhà máy về nông thôn có nhiều lợi thế cho người lao động, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ có con nhỏ. Họ không phải chi trả các khoản chi phí như thuê nhà, thuê trông con, các khoản dịch vụ khác của thành phố, chi phí đi lại... Những khoản chi đó khiến cho các lao động khi lên thành phố không có nhiều tích lũy, thậm chí không có tích lũy.
Do vậy, nếu đưa nhà máy về nông thôn với mức thu nhập tương tự thì chắc chắn, các lao động sẽ trở về làm việc tại các nhà máy gần nhà, bước đầu giải quyết được bài toán thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn và sẽ giải quyết được bài toán "ly nông không ly hương" của lao động nông thôn.
Một số vấn đề bất cập
Mục tiêu hướng về nông nghiệp - nông thôn của các doanh nghiệp cũng đang gặp phải những rào cản đáng kể khiến cho một số doanh nghiệp không mấy mặn mà để tham gia đầu tư:
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng ở nông thôn như đường giao thông, vấn đề điện nước, điện thoại, đường truyền Internet… còn yếu, nên khi DN về nông thôn, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Một số các nhà máy sau khi chuyển về vùng nông thôn, khách hàng chán nản vì khó khăn trong việc đi lại cử người về nhà máy kiểm tra hàng, cũng như thông tin liên lạc không thông suốt;
Thứ hai, tuy lao động vùng nông thôn dồi dào nhưng ý thức công nghiệp chưa cao, mất nhiều thời gian đào tạo và tuyên truyền vận động;
Thứ ba, sự khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng đang là một thách thức lớn đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Có thể nói, đưa DN về với nông thôn là “chìa khóa” để giải quyết nhiều tiêu chí kinh tế của nông thôn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, đưa doanh nghiệp về nông thôn cũng tạo cơ hội và môi trường tốt để nông dân thích nghi với lối tư duy công nghiệp. Có như vậy, kinh tế nông nghiệp mới phát triển, đời sống nông dân được cải thiện và lộ trình xây dựng nông thôn mới mới rộng mở theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp về địa bàn này, từng địa phương cần có những cơ chế, chính sách cụ thể về đất đai, nguồn lực, vốn đầu tư... Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức của người dân thông qua công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực tham gia liên kết cùng doanh nghiệp để mang lại sự thành công.