Nông dân tham gia mô hình trình diễn sử dụng giống lúa chất lượng cao BiO404.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, chuyển giao công nghệ cho nông dân thông qua doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Doanh nghiệp có khả năng thẩm định, lựa chọn công nghệ; có nguồn vốn, có tư cách pháp nhân huy động vốn; có khả năng đầu tư ngay từ nguyên liệu đầu vào (cung cấp giống, thiết bị hỗ trợ chuyển giao KH và CN cho người dân). Các doanh nghiệp còn có khả năng đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu, tạo việc làm cho nông dân, góp phần thúc đẩy quá trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển giao công nghệ. Do có thị trường và có khả năng tiếp cận thị trường một cách nhạy bén, doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và có khả năng liên kết, điều tiết thị trường trong điều kiện khó khăn, giúp giảm thiệt hại cho người sản xuất...
Ðể thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần thực hiện đồng bộ hai giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, cần đổi mới cơ chế chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo hướng hình thành cơ chế phù hợp thị trường, cùng với đặc thù của ngành nông nghiệp và yêu cầu chủ động hội nhập, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức và doanh nghiệp hoạt động chuyển giao công nghệ; xây dựng các định hướng chuyển giao công nghệ nông nghiệp trọng điểm; xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển giao công nghệ nông nghiệp (các khu nông nghiệp công nghệ cao, trạm ươm tạo và thử nghiệm công nghệ mới); đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, các doanh nghiệp cần xây dựng cho riêng mình chiến lược kinh doanh thích hợp, làm cơ sở để xác định phương thức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Ðể có được điều này, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp như: tăng cường thu hút tài chính và các nguồn vốn trong xã hội; tăng cường các hoạt động nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường công nghệ; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp cũng như tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học; mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là với các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia.
Các doanh nghiệp cần phải nâng cao tính tự lực trong phát triển tiềm lực KH và CN. Trong điều kiện hiện nay, tiến bộ KH và CN được tạo ra với tốc độ nhanh, chính vì vậy các doanh nghiệp luôn phải biết cách kết hợp nhiều phương pháp để nâng cao năng lực công nghệ, phát triển tiềm lực KH và CN của mình, như: tạo dựng môi trường kinh doanh, thị trường sản phẩm ổn định để khai thác các hoạt động liên kết KH và CN; nâng cao nhận thức trong hoạt động chuyển giao công nghệ để thực hiện tốt các hoạt động tiếp nhận công nghệ; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp và tạo dựng các mạng lưới vệ tinh; tạo sự gắn kết trong mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp.
Từ những phân tích nói trên đòi hỏi các cấp, các ngành có liên quan có thêm chính sách đẩy mạnh chuyển giao công nghệ thông qua doanh nghiệp. Bước đầu, chúng tôi xin nêu lên một số đề xuất về chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động chuyển giao tiến bộ KH và CN phục vụ sản xuất, nông nghiệp và phát triển nông thôn như sau:
Nghiên cứu các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Coi doanh nghiệp là một thành phần quan trọng, cần được khuyến khích, hỗ trợ trong hoạt động chuyển giao công nghệ.
Xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cần có để các doanh nghiệp làm tốt công tác chuyển giao công nghệ cho nông dân, bao gồm phát triển bộ phận chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm công tác chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện tiếp cận các thông tin về công nghệ...
Khi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp được xét hưởng một số chính sách ưu đãi, bao gồm: Ưu đãi thuế, tín dụng, chính sách cho những người tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ... Nghiên cứu các chính sách khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với tổ chức khuyến nông, tổ chức KH và CN trong hoạt động chuyển giao công nghệ cho nông dân. Phát triển các hình thức liên kết phong phú (song phương, đa phương...), trong đó doanh nghiệp đóng vai trò người tổ chức hoạt động chuyển giao công nghệ cho nông dân. Trong mối liên kết bốn nhà thường được nói tới, quan hệ ở đây không chỉ là mỗi bên đảm nhiệm một khâu (viện nghiên cứu lo chuyển giao kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp lo tiêu thụ sản phẩm,...) mà còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với tất cả các khâu. Có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các hình thức liên kết trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm mục đích chuyển giao nhanh các sản phẩm công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất, cấp có thẩm quyền cần đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ, cần có một cơ quan nhà nước làm đầu mối kết nối cung - cầu công nghệ hoạt động hiệu quả, giúp các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh... rút ngắn được quá trình tìm hiểu thị trường và tìm hiểu nguồn cung - cầu công nghệ cũng như các sản phẩm công nghệ cao; tổ chức xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu về cung - cầu công nghệ cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn