Công trình tượng đài “Tổ quốc ghi công” mới xây dựng
Ông Chủ tịch UBND xã Vũ Viết Văn chỉ tay lên bản đồ, cho biết: Con đường cao tốc chia đôi xã. Xã bị “tách đôi” khá đều đặn hai nửa khi con đường cao tốc đi qua. Tôi hỏi: “Vậy chắc xã được hưởng lợi từ con đường cao tốc?”. Ông Văn cười lớn. Dường như tiếng cười để thay cho một điều khó nói.
"Hưởng lợi ư? Đúng là cũng được hưởng lợi. Nhưng không ít hệ lụy khi đường cao tốc nằm trên địa bàn xã. Ngoài chuyện giải tỏa, đền bù phức tạp, còn chuyện trước đây canh tác liền thửa, liền ruộng, nay bị tách ra, đi lại khó khăn, canh tác cũng khó khăn.
Chưa kể không cẩn thận, tai nạn giao thông xảy ra, rất nguy hiểm. Dân ở xã đã từng nửa đêm giải cứu, giúp đỡ cho người tham gia giao thông trên đường cao tốc gặp nạn. Vừa cứu giúp, đưa đi cấp cứu người bị thương, vừa bố trí người trông coi tài sản cho họ…", ông Văn nói.
Văn Quán cơ bản vẫn là xã thuần nông. Đã vậy ruộng đất manh mún, đất đồi núi bạc màu, ít dinh dưỡng, cây trồng năng suất thấp. Qua một quá trình phấn đấu quyết liệt, đến nay Văn Quán đã có 13 tiêu chí đạt chuẩn NTM, trong đó ngoài những tiêu chí khó đạt, như y tế, giáo dục, thì tiêu chí hộ nghèo cũng đã đạt chuẩn.
Xã đã tích cực triển khai các công tác giảm nghèo. Định hướng cho các hộ nghèo cách làm ăn để thoát nghèo, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, khuyến cáo cho các hộ sử dụng giống cây, con mới có năng suất cao. Giúp các hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, để có điều kiện phát triển SX.
Thông qua các chương trình hỗ trợ nuôi bò nái, lợn nái sinh sản, bò đực, lợn đực giống, tranh thủ vốn hỗ trợ của Nhà nước để giúp các hộ mau thoát nghèo, nên từ 2011 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo năm sau giảm so với năm trước. Tỷ lệ giảm nghèo khá ổn định. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo là 14%, đến năm 2017 giảm xuống chỉ còn 5,94%. Với một xã nghèo như Văn Quán, đó không phải là điều dễ.
Tuy nhiên thoát nghèo là một chuyện, mà vươn lên giàu có lại là chuyện khác. Thu nhập bình quân đầu người của Văn Quán cũng tăng lên khá đều đặn. Năm 2011 đạt 14,8 triệu đồng/người/năm. Năm 2012 đạt 18,9 triệu đồng/người/năm. Năm 2013 đạt 19,3 triệu đồng/người/năm… Mức thu nhập năm 2016 so với năm 2010 đã tăng hơn 15 triệu đồng.
Mặc dù vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã vẫn thấp. Ví như năm 2016 đạt 27,6 triệu đồng/người/năm, vẫn là mức thấp so với mặt bằng chung tại địa phương.
Cùng với Liễn Sơn, Văn Quán là 1 trong 2 xã đang “đội sổ” trong 18 xã của huyện Lập Thạch. Mặc dù đích đến đã rất gần, nhưng mục tiêu của Văn Quán còn phải phấn đấu quyết liệt, nếu không muốn cái nghèo cái khó đeo bám dai dẳng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn