00:14 EST Thứ hai, 25/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Đồng bằng Sông Hồng

Chủ nhật - 04/09/2016 10:16
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa giúp Đồng bằng sông Hồng tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khẳng định vai trò là “động lực, cho sự phát triển chung của cả nước. Hiện nay, mặc dù vùng Đồng bằng sông Hồng đã và đang hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với phát triển kinh tế vùng.
Đồng bằng sông Hồng cần huy động mọi nguồn lực để tạo tiền đề phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nguồn: Internet

Đồng bằng sông Hồng cần huy động mọi nguồn lực để tạo tiền đề phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nguồn: Internet

Vai trò quan trọng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế và tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, cần huy động mọi nguồn lực để tạo tiền đề phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây là chìa khóa giúp Vùng có thể thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và góp phần khẳng định vai trò là “động lực, đầu tàu” phát triển kinh tế bền vững trên phạm vi cả nước.

Nông nghiệp công nghệ cao được hiểu là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc ứng dụng những công nghệ mới, như: Công nghệ vũ trụ, công nghệ tin học, laser, tự động hóa, năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học… vào nông nghiệp, sẽ tác động rất lớn đến tiến bộ khoa học công nghệ, kinh tế nông nghiệp và có thể hình thành công nghệ cao, công nghệ mới của ngành sản xuất nông nghiệp mới, đều có thể gọi là nông nghiệp công nghệ cao.

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2020 xác định: Xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế.

Tập trung phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo nền tảng quan trọng đưa nền nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng lên một tầm cao mới, tạo động lực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực chọn và tạo giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự xuất hiện của các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho những sáng tạo khoa học công nghệ. Thông qua đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao; đồng thời, chuyển hóa tri thức thành sức sản xuất, thành ưu thế thị trường, tạo cơ hội việc làm và đem lại nhiều lợi ích cho Vùng.

Các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng quy trình công nghệ cao tạo ra chuỗi cung ứng, cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đáp ứng được ba yêu cầu: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ.

Nông nghiệp công nghệ cao chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp, trong đó, nông nghiệp công nghệ cao lại là tiền đề và là điều kiện thúc đẩy hình thành các trang trại tập trung, liên kết các nguồn lực để có quy mô về tài chính và điều kiện sản xuất lớn. Như vậy, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu để có được sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi và những quy định khắt khe của hội nhập.

Tác động của hội nhập đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế vận động tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới hiện nay, khi quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa và quốc tế hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang tác động mạnh mẽ đến các nền nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nắm bắt những tác động này, đòi hỏi các chủ thể kinh tế cần có những biện pháp hỗ trợ tích cực, để nông sản hàng hóa trong nước có thể cạnh tranh được với thị trường nông sản quốc tế. Bước đầu có thể nhận diện một số tác động cụ thể sau:

- Tác động đến ngành Trồng trọt: Ngành này sẽ có những cơ hội lớn để phát triển như người nông dân có cơ hội được mua các loại vật tư nông nghiệp với giá rẻ hơn trước đây; người dân có cơ hội được sử dụng những loại cây trồng có ưu thế hơn hẳn về cả năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Từ những ưu thế đó, ngành Trồng trọt đã có những dấu hiệu khởi sắc như: Quá trình thâm canh, xen canh đã nhiều lên trên mọi vùng miền kinh tế, thay cho tình trạng độc canh cây lúa trong trồng trọt như trước đây. Tình trạng sản xuất khép kín theo kiểu tự cung, tự cấp ở nhiều địa phương được thay thế bởi một nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn hình thành phát triển.

Từ chỗ chỉ đủ cung cấp lương thực, thực phẩm một cách hết sức hạn chế cho nhu cầu tiêu dùng trong nước tới chỗ hướng mạnh ra xuất khẩu. Việc ứng dụng các thành tựu vào trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong ngành Trồng trọt nói riêng ngày càng được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đặc biệt, do những quy định ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, nên ngành Nông nghiệp cũng ngày càng quan tâm đến yếu tố chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới một nền Nông nghiệp sạch.

- Tác động đến ngành Chăn nuôi: Sau khi gia nhập WTO, ngành Chăn nuôi cũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, cụ thể: Năng suất, sản lượng và chất lượng của ngành Chăn nuôi không ngừng tăng lên; cơ cấu vật nuôi có sự chuyển biến rõ rệt (từ chỗ chỉ tập trung nuôi những vật nuôi truyền thống chuyển sang nuôi những vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn).

Đơn cử như ngành Thủy sản Việt Nam, năm 2008, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,5 tỷ USD, năm 2010 giá trị xuất khẩu đạt 6,13 tỷ USD, dự kiến con số này sẽ tăng lên 7,5-8 tỷ USD vào năm 2020.

- Tác động đến ngành Công nghiệp chế biến nông sản: Việc gia nhập WTO đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển cả về quy mô, cơ cấu và hiệu quả kinh tế. Công nghiệp chế biến từ chỗ chủ yếu là cơ sở chế biến vừa và nhỏ, đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp mới với quy mô lớn.

Đồng thời, có rất nhiều loại hình của công nghiệp chế biến ra đời; trong đó, loại hình phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần... Sự biến đổi hết sức rõ nét trong lĩnh vực này chính là hình thành và phát triển nên các khu công nghiệp chế xuất. Nhờ đó, hoạt động chế biến nông sản đã mang tính tập trung và hiệu quả hơn.

- Tác động đến thị trường tiêu thụ nông sản: Thị trường tiêu thụ nông sản gồm: Thị trường lúa gạo, thị trường cà phê, thị trường rau quả và các thực phẩm thông dùng khác... Sự tác động của hội nhập quốc tế tới thị trường nông sản nước ta là rất lớn. Thông qua sự tác động này, nó đã làm thay đổi thói quen, nhiều mối quan hệ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Tác động đến thị trường các yếu tố sản xuất nông nghiệp:Trước hết phải kể đến thị trường tài chính - tín dụng, nguồn vốn được huy động từ rất nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách là nguồn vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, nguồn vốn vay và viện trợ từ nước ngoài, vốn huy động từ tín dụng nhân dân... Quá trình hội nhập quốc tế đã làm cho thị trường lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, bộ phận lao động được đào tạo có xu hướng tăng lên, lao động cũng tập trung hơn.

- Tác động đến việc tiêu dùng hàng nông sản: Trong quá trình này, hàng nông sản ở các nước dễ dàng xâm nhập vào thị trường nước ta và giá cả rẻ hơn so với trước đây, đã tạo ra sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nông nghiệp.

Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Hồng đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do: Chính quyền cơ sở chưa đủ quyết tâm; lựa chọn mô hình, sản phẩm để sản xuất chưa phù hợp; khả năng tài chính chưa đủ mạnh để thực hiện đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp.

Một số địa phương có khả năng về tài chính nhưng lại sai lầm trong lựa chọn công nghệ (công nghệ lạc hậu hoặc công nghệ quá cao), cũng như chi phí đầu tư, vận hành quá đắt đỏ dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Điển hình như: Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài, tuy nhiên quá trình chuyển giao công nghệ chậm, chi phí vận hành quá cao nên thất bại.

Đối chiếu thực trạng này với những cam kết của WTO, đòi hỏi các cấp, ngành, chính quyền các địa phương phải nhìn thẳng vào những yếu kém, tồn tại để có định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của Vùng. Đến nay, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa tìm hiểu và thậm chí chưa hiểu rõ những cam kết của WTO, do vậy họ thường bị thua thiệt trên thương trường.

Việc xây dựng vùng chuyên canh còn nhiều bất cập; những cánh đồng mẫu lớn chưa thật sự hình thành; việc lựa chọn, quyết định thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Công tác đào tạo nghề gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất các ngành Sản xuất nông nghiệp chưa được chú trọng.

Vấn đề hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt. Việc nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp cũng còn nhiều bất cập, công tác rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch chưa thật sự gắn với nghiên cứu thị trường. Công tác quản lý chất lượng các mặt hàng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, coi truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc đưa người nông dân vào chuỗi giá trị và giá trị gia tăng trong nền nông nghiệp công nghệ cao là điều không đơn giản, đặc biệt là việc thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ.

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục tìm hiểu những quy định của WTO và dựa trên những cam kết liên quan đến nông nghiệp khi gia nhập WTO, để đánh giá đúng sức cạnh tranh hiện tại và tương lai của từng mặt hàng nông sản, từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp khi tham gia thị trường thế giới.

Thứ hai, đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đề cao vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp, cụ thể là đưa các doanh nghiệp này vào vị trí đứng mũi chịu sào theo mô hình sản xuất “con thuyền lớn”. Mặt khác, cần đổi mới quan điểm đối với khoa học công nghệ và tư duy thị trường, bởi chiến lược thị trường sẽ quyết định sự thành bại của việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, thực hiện sách lược “đứng trên vai người không lồ”, tận dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước đi trước đã thành công trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, ẩm thực và công nghệ chế biến để tạo ra hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích nhỏ.

Thứ tư, Nhà nước phải cần định vai trò quan trọng từ những quyết sách đầu tư dựa trên sự phân tích thị trường và đầu tư cho sản xuất các sản phẩm tinh hoa. Tập trung nghiên cứu cặn kẽ và sâu sắc thị trường trước khi triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín từ đồng ruộng đến thị trường dựa trên công nghệ tiếp thị và công nghệ sản xuất cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ. Đối với khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng, nếu có quyết sách đầu tư mang tầm quốc gia hoàn toàn có thể trở thành “Hà Lan của châu Á”.

Đầu tư cho nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng áp dụng các quy trình thực hành tốt, công nghệ cao, sản xuất nguyên liệu kết hợp với công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng; tiếp tục đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo nhiều hình thức, kể cả hợp tác công tư.

Đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao, trang bị kiến thức quản lý và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đầu tư bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.

Thứ năm, xác định mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến phát triển sản xuất nông nghiệp thâm canh cao, công nghệ cao, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác và cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng.

Thứ sáu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần triển khai thực hiện trên những cánh đồng lúa quy mô tập trung; phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng rau, hoa công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả đặc sản (vải, nhãn, chuối...).

Thứ bảy, thực hiện nghiêm túc các cam kết của WTO. Theo đó, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản và đẳng cấp của sản phẩm. Trước mắt, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng cần thực hiện một số vấn đề sau:

- Về thị trường nông sản hàng hóa: Vùng Đồng bằng sông Hồng cần xây dựng hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường; cung cấp thường xuyên những thông tin về tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể.

Đồng thời, tổ chức hỗ trợ thu gom các mặt hàng nông sản chờ đến khi giá lên có lợi cho người nông dân thì tổ chức đấu giá; thậm chí, đấu giá các loại nông sản xuất khẩu nhằm tránh rủi ro cho người sản xuất do giá xuống thấp khi vào vụ thu hoạch.

- Về xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm:Vùng Đồng bằng sông Hồng cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc sản, bản địa; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các hiệp hội cần xây dựng thương hiệu thông qua quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hoặc hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông. Huy động tối đa sự tham gia của các hãng vận tải để hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài.

- Về hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công nghệ: Vùng Đồng bằng sông Hồng cần có chính sách ưu đãi rõ ràng hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ cho việc tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ tám, thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây là hướng đi mới, nhằm khơi thông nguồn chất xám vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Thu hút những bạn trẻ có trình độ năng lực và tâm huyết quay về với nghề nông, những người tự học để trở thành “nông dân”, những người trực tiếp ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao trong thời kỳ hội nhập.

Tóm lại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. Nắm bắt được những cơ hội và vượt qua thách thức là một trong những vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế trong toàn Vùng.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Tươi (2008), Tác động của việc gia nhập WTO đến phát triển nông nghiệp Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế Hà Nội;

2. Đỗ Thị Thanh Loan, Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Luận án Tiến sỹ kinh tế, 2015;

3. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009;

4. Một số websites: vaas.vn; lienhiephoi.quangngai.gov.vn; nhandan.com.vn; dantri.com.vn; chinhphu.vn…

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 172

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 171


Hôm nayHôm nay : 31745

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1169849

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71397164