Di sản xuống cấp
Tại phiên chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bình Phước cho rằng, khai thác di sản thiếu chuyên nghiệp, bảo vệ các công trình công cộng chưa cao, quá tải dẫn tới ô nhiễm môi trường, xuống cấp nghiêm trọng là những vấn đề tồn tại tại các điểm di sản. Bên cạnh đó, công tác đánh giá hiện trạng, sưu tầm của Bộ Văn hóa vẫn nặng giấy tờ, thủ tục là trở ngại trong phát huy, bảo tồn các giá trị di sản.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn tại hội trường |
Đại biểu Sang đặt lo ngại một số di sản có thể trở thành phí tích, thậm chí mất tích.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, với 3329 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 85 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, và 202 di tích được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cùng 25 di tích được UNESCO xếp hạng là tài sản lớn của quốc gia. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm khá tốt đặc biệt công tác kiểm kê, xếp hạng nhưng vấn đề bảo tồn, tôn tạo phát huy còn hạn chế do liên quan nguồn kinh phí.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Thiện, từ năm 2015 về trước có nguồn đầu tư và nguồn sự nghiệp, nguồn đầu tư để trùng tu di sản vật thể, và nguồn sự nghiệp được đầu tư trùng tu cho di sản văn hóa phi vật thể. Do đó, những di sản này được bảo tồn khá tốt. Năm 2016 chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không còn mà thay bằng chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, nguồn tài chính phân thẳng về các tỉnh nên việc sử dụng và phân bổ do tỉnh.
“Các di sản văn hóa nếu không bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn sẽ xuống cấp như đại biểu nói có thể biến mất, tôi đề nghị các địa phương phân bổ nguồn cho công tác này và nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xem còn nguồn nào khác cho công tác bảo tồn này”, Bộ trưởng Thiện nói.
Mong có giải pháp chỉ đạo kịp thời
Đại biểu Phạm Thị Minh Huyền, Phú Yên tỏ ra không hài lòng về câu trả lời của Bộ trưởng Thiện liên quan tới ngăn chặn đạo đức xã hội xuống cấp.
Theo đại biểu Huyền, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần quản lý trong chính môi trường thể thao, du lịch, văn hóa mà Bộ đang quản lý.
Đại biểu Huyền cũng nhấn mạnh, “dường như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang lúng túng khi đưa ra giải pháp quản lý”.
“Đặc biệt liên quan tới các chương trình biểu diễn nghệ thuật có sự tham gia của trẻ em, những chương trình này mang nặng tính khai thác câu view, có yếu tố thương mại hơn giá trị nghệ thuật. Vì vậy tôi đề nghị Bộ có giải pháp cụ thể”, đại biểu Huyền nói.
Trong khi đó, đại biểu Mai Phương Hoa, Nam Định bày tỏ mong muốn thấy được “sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo bộ chứ không phải có chỉ đạo nhưng mờ nhạt chưa kịp thời” liên quan tới thời điểm xảy ra những vụ việc như Sơn Trà hay Cục Nghệ thuật Biểu diễn.
Bộ trưởng Thiện tỏ ra khá cầu thị khi công nhận “việc xử lý vấn đề nóng thời gian qua còn chậm, xin nhận vấn đề và xin tiếp thu cố gắng thời gian tới sẽ xử lý những vấn đề nóng kịp thời hơn”.
Ngoài vấn đề trên, nhiều đại biểu tỏ ra khá quan tâm tới quy hoạch du lịch hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề quy hoạch đang có vấn đề trong đó Sơn Trà là một ví dụ điển hình.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Thiện cho rằng, quy hoạch quan trọng tất cả các ngành. Trong ngành du lịch có quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam, quy hoạch khu du lịch, quy hoạch du lịch tỉnh, địa bàn, từng vùng….tùy điều kiện từng vùng để có quy hoạch.
“Rõ ràng quy hoạch giảm sự phát triển lộn xộn nhưng phát triển thế nào không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái là quan trọng vì sản phẩm du lịch quan trọng là những giá trị môi trường, sinh thái, văn hóa. Liên quan tới vấn đề đại biểu để cập, có nhiều quy hoạch quá không, chúng tôi sẽ nghiên cứu và có hướng dẫn những quy hoạch nào nên có, những quy hoạch nào không”, Bộ trưởng Thiện trả lời.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn