Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm về QLTT. Thậm chí có địa phương, sau gần 2 năm nhưng không kiểm tra, xử lý được vụ việc nào.
Sau gần 2 năm thực hiện Đề án Nâng cao năng lực quản lý thị trường, các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực hơn trong việc triển khai thực hiện công tác QLTT; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chức năng được nâng lên một bước; hiệu lực quản lý nhà nước được tăng cường…
Công tác kiểm tra vi phạm trên thị trường được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn. Từ tháng 6/2014-3/2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 8.865 vụ vi phạm, tăng 194% so với giai đoạn 2012-2013; thu nộp vào ngân sách 9,115 tỷ đồng, tăng 81,8% so với giai đoạn 2012-2013.
Một số địa phương đã chủ động trong công tác kiểm tra, kiểm soát, qua đó phát hiện xử lý nhiều đối tượng vi phạm; nhận thức của người tiêu dùng, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia SX-KD ngày càng nâng cao; các hành vi vi phạm, hàng giả, hàng kém chất lượng dần được hạn chế… Tỷ lệ hộ có đăng ký kinh doanh đã tăng từ 20,4% (tháng 6/2014) lên 79,5% (tháng 3/2016).
Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh: Khó khăn nhất là kiểm soát thực phẩm bán rong, thực phẩm đường phố, thự phẩm bán tại đền chùa, lễ hội, các khu du lịch… |
Tuy nhiên, trên thị trường, các loại hàng hóa vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATVSTP vẫn còn, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; niêm yết giá còn mang tính hình thức; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ; vẫn còn tình trạng cân chưa được kiểm định...; các cơ quan chức năng gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí, trụ sở, phương tiện, trang thiết bị…; một số sở, ngành, địa phương vào cuộc chưa quyết liệt trong việc thực hiện đề án.
Giám đốc Sở Công thương Trần Nhật Tân: Đề nghị tỉnh cho thành lập đủ mỗi huyện một đội QLTT theo Đề án để thực hiện tốt công tác QLTT |
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Làm tốt công tác QLTT là bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các cơ sở SX-KD chân chính. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tập trung cho công tác này. Nhận thức của người tiêu dùng, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia SX-KD, công tác tyên truyền kiểm tra, đôn đốc, bước đầu đạt được kết quả nhất định.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều việc chưa làm được, kết quả đạt được chưa cao, người tiêu dùng chưa thực sự được bảo vệ; quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại rất nhiều chợ còn kém, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu; công tác ATVSTP, giết mổ gia súc gia cầm còn nhiều tồn tại; tình trạng thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng vẫn xuất hiện; niêm yết giá tại các chợ còn hình thức; tỷ lệ cấp đăng ký kinh doanh ở một số địa phương còn rất thấp…
Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm về QLTT. Thậm chí có địa phương, sau gần 2 năm nhưng không kiểm tra, xử lý được vụ việc nào.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, thời gian tới, các ngành, địa phương cần vào cuộc thực sự quyết liệt; tiếp tục rà soát, quan tâm các nội dung đề án liên quan đến đơn vị mình, gắn với công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng đến công tác kiểm tra đo lường và chất lượng xăng dầu, ATVSTP, giết mổ gia súc gia cầm; công tác thuế, hóa đơn chứng từ…
Theo Chính Thu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn