Ông Phạm Thanh Trường ở ấp An Hưng, xã Long Đức bộc bạch: “Trước khi trở thành thành viên HTX, tôi đã tham gia tổ hợp tác (THT) nông nghiệp hơn 2 năm qua. Vào THT tôi được các ngành chuyên môn tập huấn các lớp IPM nên việc sản xuất lúa thuận lợi hơn nhiều và thay đổi tập quán làm lúa theo cách thức truyền thống. Nhờ vậy, năng suất lúa tăng lên đáng kể, kéo theo đó là thu nhập tăng cao theo từng vụ mùa, bà con nông dân có tinh thần đoàn kết cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp việc chọn các loại giống được tốt hơn qua các mùa vụ”.
Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cùng xã viên đi thăm đồng. Ảnh: Thúy Liễu
Cũng theo lời tâm sự của ông Trường, đặc biệt là khi có dự án VnSAT triển khai các lớp tập huấn “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, đến THT và địa phương vận động liên kết các THT thành HTX thì hoạt động HTX ngày một phát triển hơn.
Ông Huỳnh Văn Giai (ấp An Hưng, xã Long Đức) chia sẻ: “Khi tham gia HTX và áp dụng kỹ thuật canh tác do dự án VnSAT hướng dẫn, năng suất lúa tăng lên 5 - 6% so với trước khi còn làm trong THT, chi phí đầu tư giảm 500.000 đồng/công, về lượng giống gieo sạ chỉ còn 10kg/công, giảm 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% lượng phân bón. Điều làm tôi tâm đắc nhất khi được dự án VnSAT tập huấn đó là áp dụng cách sạ hàng cho cây lúa, mới bắt đầu ai cũng lo lắng, ngần ngại nhưng qua một vài vụ canh tác thấy rõ ràng lợi ích trước mắt của việc sạ hàng là cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh tấn công trên lúa...”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi Trương Văn Hùng cho biết: “HTX hình thành trên cơ sở xác nhập 13 THT của các ấp trên địa bàn xã, với diện tích đất sản xuất 608ha, có 538 thành viên tham gia. Tất cả thành viên trong HTX đều phấn khởi khi trở thành thành viên HTX, bởi sẽ thuận lợi hơn trong quá trình canh tác lúa. Riêng dự án VnSAT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong khâu sản xuất lúa đã góp phần giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau thu hoạch…”.
Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ chính với tổng số vốn tương đương khoảng 301 triệu USD thực hiện từ năm 2015 - 2020. Dự án nhằm tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bộ NNPTNT và các tỉnh tham gia dự án.
Theo Thuý Liễu/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn