Quyết làm giàu trên vùng cát trắng
Về xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam hỏi nhà anh Trần Văn Hận (32 tuổi), ai cũng biết, cũng trầm trồ và thán phục về một người trẻ tuổi, kiên trì, chịu khó và đặc biệt làm kinh tế rất giỏi.
Trò chuyện cùng phóng viên, anh Hận chia sẻ: Trước đây anh bươn chải đủ nghề để kiếm sống, ai thuê gì làm đó, sau đó chuyển sang làm lái xe được một thời gian nhưng thu nhập từ nghề lái xe khá bấp bênh. Tình cờ một lần đọc báo, anh thấy nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt trên cát cho thu nhập cao, từ đó anh bắt đầu nghiên cứu học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật nuôi từ mạng internet, đồng thời đi tham quan một số mô hình thực tế. Sau đó, anh quyết định đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, coi đó là bước đi khởi nghiệp cho bản thân.
Nhờ vay vốn của Agribank để đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt trên cát, anh Trần Văn Hận đã có thu nhập khá hàng năm. Ảnh: Đ.N
"Hiện nay, đầu ra của tôm thẻ chân trắng khá ổn định, thương lái đến tận trang trại nhà tôi để thu mua. Dù nghề nuôi tôm theo kiểu này khá công phu, nhưng bù lại cho thu nhập ổn định, vì thế trong năm tới, tôi dự tính sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1.000m2 nữa, mở rộng quy mô trang trại lên hơn 3.500m2 và nâng cao thu nhập hơn nữa”. Anh Trần Văn Hận |
Anh Hận sinh ra trên vùng đất cát trắng, đầy nắng gió, đời sống của bà con nhân dân phụ thuộc làm ruộng, thu nhập không ổn định. Vì thế, anh càng nung nấu và quyết tâm xây dựng trang trại nuôi tôm để vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương Duy Vinh.
Với nhiệt huyết, cùng sự mạnh dạn của tuổi trẻ, năm 2015 với nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Nam Phước, cộng với số tiền tích góp được hơn 200 triệu đồng, anh Hận bắt đầu xây dựng trang trại nuôi tôm, diện tích 1.000m2.
“Lứa đầu tiên, do kinh nghiệm chưa nhiều nên hiệu quả chưa thật cao, nhưng dấu hiệu thành công đã thôi thúc tôi quyết tâm mở rộng diện tích, tiếp tục đầu tư trang trại để nuôi tôm” - anh Hận chia sẻ.
“Năm đầu tiên số tiền lãi thu được từ nuôi tôm trên 60 triệu đồng, một con số đáng mơ ước đối với nhiều người trong xã Duy Vinh lúc đó. Hiện nay, với diện tích ao nuôi hơn 2.500m2, mỗi năm tôi nuôi 2 vụ, sản lượng 4 tấn/vụ, bán ra thị trường với giá từ 90-100 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí thức ăn, giống, nhân công…, tôi có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm” - anh Hận phấn khởi cho hay.
Tiếp tục mở rộng quy mô
Chia sẻ kinh nghiệm về nghề nuôi tôm của mình, anh Hận cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống tốt từ đơn vị cung cấp giống có uy tín. Trong khâu chăm sóc thì phải chú trọng khoảng thời gian 1 tháng đầu vì đây là lúc tôm nhỏ, sức đề kháng yếu, dễ dịch bệnh do thay đổi môi trường sống, thức ăn, nên phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước để có vấn đề gì thì xử lý cho kịp thời.
“Diện tích ao lắng phải tương đương với ao nuôi để có thể cung cấp đầy đủ nước vào ao nuôi và thay nước kịp thời khi xảy ra vấn đề bất lợi. Độ sâu mực nước dao động từ 0,8 - 1,5m. Các yếu tố môi trường đảm bảo như: Nhiệt độ nước từ 25 - 30 độ C, độ mặn từ 5 - 15%, độ pH dao động từ 7,5 - 8,5; hàm lượng oxy hòa tan > 5mg/l, độ trong từ 35 - 45cm…” - anh Hận cho biết.
Bên cạnh đó, người nuôi cũng nên chú ý đến mật độ thả, phải đảm bảo phù hợp với mức độ đầu tư cơ sở vật chất, khả năng chăm sóc và kinh nghiệm. Nếu thả nuôi tôm ở mật độ cao sẽ khiến nền đáy bị chai, nghèo dinh dưỡng, tảo không phát triển, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến dịch bệnh hoành hành, gây thiệt hại lớn. Mật độ thích hợp là từ 150 - 200 con/m2.
Theo anh Hận, quá trình nuôi cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp ngay từ khâu lựa chọn con giống, cải tạo ao nuôi đến quá trình chăm sóc một cách nghiêm ngặt mới giảm thiểu được rủi ro dịch bệnh. Bởi trong nuôi tôm, việc phòng bệnh đặc biệt quan trọng; hơn nữa, nếu tôm đã mắc bệnh thì có chữa trị được tôm cũng chậm lớn, dẫn đến hiệu quả nuôi thấp, thậm chí thua lỗ...
Theo Đại Nghĩa - Trương Hồng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn