Vay vốn nuôi bò, thu lãi 300 triệu/năm
Vừa cho đàn bò ăn cỏ, ông Nguyễn Văn La (thôn Phước Lập, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) nhớ lại những ngày mới lập nghiệp: “Tôi đã vay được 2 lần của Chi nhánh Agribank huyện Ninh Phước. Lần đầu tiên tôi vay đầu năm 2016, với số tiền 200 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo. Sau khi có vốn, tôi bắt tay vào chạy đôn chạy đáo đi các nơi để mua được 20 con bò…”.
Thông qua nguồn vốn Agribank của Ninh Phước, nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi bò và vươn lên làm giàu. Ảnh: C.T
Có được kết quả như hiện nay là nhờ lãnh đạo Agribank chi nhánh Ninh Thuận đã triển khai, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn; đẩy mạnh đầu tư tín dụng, tăng cường các biện pháp thu hồi nợ xấu, phát triển dịch vụ… góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh tại đơn vị. |
Cuối năm 2016, nhờ cần cù chịu khó chăm sóc đàn bò bài bản nên ông La đã có “quả ngọt” từ chính đàn bò này. “Vào thời điểm đó, nhờ bò có giá nên tôi nuôi từ 2 - 3 lứa vỗ béo/năm. Khi bò to mập, đúng trọng lượng mới cho xuất chuồng. Cuối năm 2016, doanh thu đạt 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi được 300 triệu đồng. Có vốn trong tay rồi, tôi thật sự mừng lắm, lại tiếp tục mua bò về thả nuôi…” - ông La phấn khởi nói.
Theo ông La, gia đình ông vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trên đồng, vừa trồng được 1ha cỏ để có thêm nguồn thức ăn cho bò. Với khát vọng vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu, lần thứ 2 ông liên hệ vay 500 triệu đồng để đầu tư nuôi bò và mua rơm rạ để dự trữ thức ăn vào mùa khô hạn cho đàn bò.
Hiện nay, trong trang trại của gia đình ông La đã có được 200 con bò cái, một con bò cái mỗi năm đẻ được một lứa. Sau khi sinh sản, những con bò đực được ông nuôi đủ trọng lượng sẽ xuất bán, riêng những con bò cái thì ông giữ lại nuôi.
Ông La chia sẻ: “Nông dân chẳng ai có sẵn vốn, nếu lúc đó mà không có vốn chắc tôi cũng bó tay, mọi việc sản xuất làm ăn giậm chân tại chỗ. Thông qua nguồn vốn của Agribank mà gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng quy mô chuồng trại và nuôi con cái bài bản. Ngoài việc nuôi bò, tôi còn trồng trên 4ha ruộng lúa, mỗi năm cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Tiếp sức kịp thời cho ND
Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Lê (thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận, Ninh Phước) bắt đầu vay vốn của Agribank Ninh Phước từ 7 năm trước để trồng nho và chăn nuôi dê. Lần đầu vay 40 triệu đồng để trồng nho xanh, hiện nay gia đình anh đã trồng được 6 sào nho. Mỗi năm anh sản xuất được 2 vụ nho, với giá bán dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Tính ra mỗi năm vườn nho mang về cho anh Lê khoản thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ngoài việc thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, anh còn có thu nhập thêm từ việc kinh doanh buôn bán.
Được biết, trên địa bàn hai huyện huyện Ninh Phước và Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận, có nhiều hộ khó khăn tiếp cận được nguồn vốn của Agribank để phát triển kinh tế và đến nay đã trở thành hộ khá giả, có thu nhập ổn định. Những vườn nho, táo xanh trĩu quả và đàn bò, cừu, dê ngày càng sinh sôi nảy nở đã phần nào khẳng định định được hiệu quả đồng vốn Agribank với nhà nông.
Tình trạng nắng nóng kéo dài cũng phần nào ảnh hưởng tới tình hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn dẫn đến năng suất cây trồng và vật nuôi giảm, việc tiêu thụ hàng hóa của các đại lý và bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả nguồn vốn, thời gian tới Agribank Ninh Thuận nói chung và Agribank Ninh Phước nói riêng sẽ chú trọng thay đổi về tác phong giao dịch và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Đặc biệt, Agribank Ninh Phước sẽ tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp chăm sóc khách hàng và thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó, tích cực vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm, tiếp cận các doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn để triển khai công tác huy động vốn, các sản phẩm ngân hàng và các dịch vụ thanh toán.
Theo Công Tâm/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn