Đổi thay từ con người
Về Yên Sở thời điểm này, mọi người đều phải ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ trên vùng đất giàu truyền thống, cần cù và đảm đang. Ấn tượng đầu tiên là hệ thống đường giao thông nông thôn bê-tông hóa, được quy hoạch ngăn nắp, thông thoáng. Cùng với đó là những ngôi nhà cao tầng khang trang, những cánh đồng hoa, những vườn cây ăn quả bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch…
Con đường trung tâm xã Yên Sở khang trang, sạch sẽ. |
Theo ông Nguyễn Đăng Hoan - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Yên Sở, xây dựng NTM không chỉ là sự đổi mới về nhà cửa, các công trình công cộng, mà quan trọng nhất là phải có những con người có tư duy đổi mới về phương thức sản xuất, ứng xử, tầm nhìn cũng như lối sống. “Muốn thực hiện NTM thành công, chúng tôi xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Muốn vậy, Đảng bộ và chính quyền địa phương phải thực sự đổi mới về công tác chỉ đạo và điều hành. Bên cạnh đó, khi tuyên truyền phải trả lời được cho người dân các câu hỏi: Xây dựng NTM làm gì? NTM dành cho ai? Ai là người sẽ thụ hưởng và trách nhiệm của người dân như thế nào? Khi giải đáp được những vấn đề đó, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận và chung sức trong cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương” – ông Hoan cho biết.
Là một trong những người nắm bắt nhanh sự đổi mới ấy, anh Nguyễn Duy Hồng (thôn 4 xã Yên Sở) chia sẻ, mấy năm trước, xã Đắc Sở được biết đến về giống cây phật thủ cho giá trị kinh tế cao, nên anh đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Khi xã Yên Sở thực hiện xây dựng NTM, với chính sách dồn điền, đổi thửa thông thoáng, anh mạnh dạn thuê gần 5 héc-ta đất ngoài bãi (khu vực đất phù sa sông Đáy) của người dân để phát triển vườn cây ăn quả. Nhờ cách làm mới ấy, hiện mỗi năm, vườn phật thủ mang lại cho gia đình anh gần 1 tỉ đồng. Nhận thấy hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình đã đầu tư trồng các loại cây khác như: Bưởi Diễn, phật thủ, hoa hồng, hoa cúc…mang lại giá trị kinh tế lớn.
Nông thôn mới mang lại nhiều đổi thay cho người dân Yên Sở. |
NTM không chỉ mang lại cho người dân sự đổi mới về tư duy hay cách làm mới trong sản xuất, kinh doanh, còn có sự đổi thay trong sinh hoạt hằng ngày. Bà Nguyễn Thị Nga (thôn 2 xã Yên Sở) cho biết, kể từ khi thực hiện chương trình NTM, nhiều phong trào, mô hình hay tại cơ sở được nhân rộng như: Xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, gia đình hạnh phúc; Chi, tổ hội an toàn không có người nghiện ma túy, tệ nạn xã hội…Thông qua đó, tình làng nghĩa xóm được nâng lên, văn hóa giao tiếp, ứng xử ngày càng được đề cao và dần trở thành những chuẩn mực văn hóa tại địa phương.
Trước khi thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, xã Yên Sở đã có 7 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, do làm tốt công tác tuyên truyền, nên nhân dân đã tích cực hưởng ứng, đóng góp ngày công lao động trị giá trên 10 tỉ đồng.
Xây dựng và phát huy nền văn hoá làng xã
Ngày 16.5.2014, xã Yên Sở đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen công nhận là 1 trong 27 xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu trong toàn quốc. Theo ông Nguyễn Đăng Hoan, một nét mới và đặc sắc trong việc xây dựng NTM ở Yên Sở, khác với nhiều địa phương trong cả nước, chính là việc xây dựng NTM từ hương ước làng. Bản hương ước này được soạn thảo từ năm 1995, với sự đồng thuận của người dân 9 thôn.
Theo ông Nguyễn Đăng Hoan - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Yên Sở: “Xây dựng NTM không chỉ là sự đổi mới về nhà cửa, các công trình công cộng, mà quan trọng nhất là phải có những con người có tư duy đổi mới về phương thức sản xuất, ứng xử, tầm nhìn cũng như lối sống. Muốn thực hiện NTM thành công, chúng tôi xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Muốn vậy, Đảng bộ và chính quyền địa phương phải thực sự đổi mới về công tác chỉ đạo và điều hành”. |
Bản hương ước gồm 6 chương và 63 điều, quy định về những điều mà dân được làm và nên làm trong cuộc sống hằng ngày. Nội dung của hương ước mới vẫn kế thừa những “lệ làng” tốt đẹp xưa như: Gìn giữ đạo lý gia đình, vận động dân làng tự nguyện xây dựng quê hương, coi trọng người đỗ đạt…Bên cạnh đó, hương ước mới cũng đã xóa bỏ nhiều hủ tục, như: Trọng nam khinh nữ, hiếu hỷ linh đình, tốn kém.
“Những quy định về nếp sống văn hóa như dọn vệ sinh, nhốt súc vật hay bảo nhau góp tiền, góp ngày công để xây dựng đường làng, ngõ xóm, người dân Yên Sở đã thực hiện từ 15 năm trước. Thậm chí, việc xử phạt người vi phạm cũng được quy định rất cụ thể trong hương ước, nên người dân rất có ý thức và tự nguyện tham gia. Đặc biệt việc thực hiện đám cưới tiết kiệm, đám tang không cỗ bàn đã phổ biến. Từ năm 2004, xã Yên Sở đã vận động các gia đình có người quá cố đưa đi hỏa táng, tỉ lệ năm sau thường cao hơn năm trước, 4 năm liên tiếp gần đây toàn xã đã có trên 70% số người chết được đưa đi hỏa táng, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện vấn đề này” - ông Hoan cho hay.
Xã Yên Sở từng ngày đổi mới là niềm vui không nhỏ với cuộc sống người dân nơi đây. Thủ đô Hà Nội cần có thêm nhiều địa phương mang dấu ấn của sự đổi mới như thế.
Theo Đạt Đỗ/laodongthudo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn