Một góc xã Thanh Trạch.
Dấu tích những tháng năm khói lửa khốc liệt ấy vẫn còn đây như phà Gianh, cảng Gianh, cầu Khe Nước… Nhưng Thanh Trạch bây giờ đã là xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Từng được mệnh danh Lũy thép nam sông Gianh, Thanh Trạch đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ và một xã có ba Anh hùng, ba người cầm bút là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một giáo sư khi được phong trẻ nhất nước cũng đáng để tự hào lắm chứ… Tôi muốn nhắc lại đôi chút quá khứ trước khi bước vào kể câu chuyện hôm nay như là sự tri ân, biết ơn những người đã ngã xuống cho độc lập tự do, hòa bình của Tổ quốc và mảnh đất yêu dấu này.
Tôi về quê lần này có dịp dự buổi ra mắt tập thơ Bến cảng Linh Giang của Câu lạc bộ Thơ xã Thanh Trạch nhân quê hương được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Ấn phẩm dày dặn tập hợp nhiều bài thơ từ xưa đến nay của các tác giả có nguồn cội gốc gác Thanh Trạch. Từ trước đến nay, dân quê tôi vốn mê văn nghệ, đặc biệt là thơ ca nên điều này cũng không có gì lạ lắm. Thật vui khi Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã… đều có mặt từ đầu đến cuối. Một dàn lãnh đạo trẻ sôi nổi hòa đồng, cũng hát, cũng đọc thơ hay chẳng kém ai. Nhà giáo Cảnh Giang là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ xã Thanh Trạch hồ hởi nói với tôi: “Lãnh đạo, chính quyền xã rất quan tâm đến văn hóa giáo dục. Nhờ thế, nó góp phần tạo ra động lực xây dựng quê hương mới một cách mạnh mẽ và bền vững. Giống như thời chiến tranh có phong trào Tiếng hát át tiếng bom vậy”.
Năm năm cùng cả nước, tỉnh, huyện chung sức xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt xã Thanh Trạch đổi thay nhanh chóng. Từ ngoài bắc vào, theo quốc lộ 1A qua đèo Ngang chừng 25 cây số; trong nam ra lên đỉnh đèo Lý Hòa là đến xã tôi, một vùng quê hữu tình được bao bọc bởi những ngọn núi thuộc dãy Lệ Đệ men ra chân sóng trập trùng và sông Gianh, sông Rào Chùa cùng Biển Đông mênh mông trước mặt. Không thể không nhắc tới bãi tắm Đá Nhảy thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Bình với dải cát trắng mịn màng kéo dài tới cửa Gianh. Ngắm những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ dọc hai bên quốc lộ 1A không ai không nghĩ đây là một đô thị trẻ dù Thanh Trạch vẫn đang được coi là nông thôn. Tôi đã đi vào tám thôn Thanh Khê, Thanh Vinh, Đá Nhảy, Tiền Phong, Quyết Thắng, Thanh Gianh, Thanh Hải, Thanh Xuân; nơi sản xuất nông lâm nghiệp, nơi đánh bắt thủy hải sản, nơi kinh doanh dịch vụ…, đều tận mắt thấy được cái mới trong diện mạo, dáng dấp của làng quê. Đường sá được bê-tông hóa. Điện thắp sáng từng nhà và lối thôn. Nhà ở phần lớn khang trang vững chãi… Tận mắt chứng kiến sự đổi thay của quê nhà, tôi chợt bồi hồi nhớ tới một câu ca dao nằm lòng của thời khỏi lửa: Nhà tan cửa nát cũng ừ / Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau. ***
Từ năm 2011, xã Thanh Trạch đã tập trung vào việc lập đồ án quy hoạch Nông thôn mới, sau đó công khai cho nhân dân biết. Song song với lập đồ án, lãnh đạo, chính quyền xã chủ động xây dựng chương trình thực hiện cụ thể cho từng năm, phù hợp với lợi thế quê hương theo 19 tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. Đồ án quy hoạch gồm ba nội dung; đó là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kết cấu hạ tầng thiết yếu và quy hoạch phát triển sản xuất. Nhờ đó, tạo được tiền đề thuận lợi để xây dựng các trung tâm văn hóa xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang lại nông thôn phù hợp phát triển sản xuất.
Đúng là, Dễ mười lần không dân cũng chịu / Khó trăm lần dân liệu cũng xong. Sự khởi đầu tốt đẹp khi được nhân dân đồng thuận cao. Một số gia đình đã hiến đất, hiến tài sản, góp tiền vào việc xây dựng các công trình mà Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nguyễn Tiến Quân là một điển hình. Xã Thanh Trạch có khoảng 1.000 người làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Họ cũng đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng Nông thôn mới ở quê hương.
Cứ thế, 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới đã được thực hiện, nhiều công trình mọc lên trên quê hương tôi. Giấc mơ bao đời về một làng quê tươi đẹp, no ấm dần dần trở thành hiện thực sinh động. Anh Nguyễn Trí Tuệ, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Thanh Trạch cho tôi biết: Trong 5 năm qua, toàn xã đã bê-tông hóa 12,572 km đường giao thông với tổng số vốn đầu tư là 17,731 tỷ đồng trong đó nguồn ngân sách địa phương là 10,684 tỷ đồng; nguồn đóng góp của nhân dân là 1,707 tỷ đồng. Hai hồ thủy lợi Mù U và Cơn Ruộng với tổng dung tích 5 triệu mét khối nước xây dựng từ lâu nay được cải tạo duy tu đã cung cấp đủ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh. 100% hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn. Phong trào Thắp sáng đường quê được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Hơn 500 triệu đồng đóng góp của bà con đã làm cho hầu hết các tuyến đường chính trong xã không còn tăm tối hằng đêm nữa. Bốn trường học đạt chuẩn quốc gia với cảnh quan xanh - sạch - đẹp là kết quả đáng mừng của sự đầu tư đúng mức vào giáo dục. Trong 5 năm qua gần 17 tỷ đồng được chi vào cho việc xây dựng mới hay tân trang các trường học ở cả bốn cấp. 7/8 thôn đã có Nhà văn hóa đẹp, nổi bật như Thanh Khê xây hết 840 triệu đồng; Thanh Vinh 1,2 tỷ đồng; Thanh Hải 640 triệu đồng… Hệ thống truyền thanh xã được nâng cấp cùng với sân bóng đá, bóng chuyền của xã và các thôn đã phát huy tác dụng tốt. Với nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Châu Á (ADB) 14 tỷ đồng cùng vốn ngân sách xã 4,5 tỷ đồng chợ Thanh Hà đã được đưa vào sử dụng từ năm 2013 trên mặt bằng 8.055 mét vuông với đủ các hạng mục đình chợ chính, đình phụ, chợ trời, chợ nông thôn và 308 ki-ốt / gian hàng đạt tiêu chuẩn.
Một điều khá thú vị là hiện nay mạng in-tơ-nét đã đến với nhân dân ở cả tám thôn. Xa lộ thông tin đã vào tận từng thôn mạc trong thế giới phẳng tuy vô cùng bao la nhưng hết sức gần gũi cập nhật… Bộ mặt của xã thật sự đổi thay khi nhà ở dân cư được xây mới và cải tạo theo hướng kiên cố ngày càng nhiều. Nhà cao tầng ở Thanh Trạch không còn là chuyện hiếm lạ nữa. Con số này, tôi tin sẽ làm ngạc nhiên nhiều người: Thanh Trạch có 100% nhà ở của hộ dân cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng trong đó nhà có mái bằng bê-tông cốt thép và nhà hai tầng trở lên chiếm một nửa… Cái đích và nội dung quan trọng nhất của Chương trình xây dựng Nông thôn mới phải là sự phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thanh Trạch là một xã đa ngành nghề nên việc tổ chức phát triển các hình thức sản xuất phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng thôn có ý nghĩa đặc biệt. Xã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp, có vùng chuyên lúa, vùng chuyên nuôi trồng thủy sản, vùng chuyên trồng rừng kinh tế. Hiện nay xã có 35 trang trại và gia trại làm ăn hiệu quả do áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thủy hải sản mọc lên dọc bờ biển và bờ sông Gianh. Bãi tắm Đá Nhảy bước đầu được khai thác theo hướng du lịch thắng cảnh, dưỡng sinh. Vươn khơi xa, bám biển dài ngày để phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền là hướng đi của ngư dân xã tôi. Đội tàu 24 chiếc trong đó có ba tàu đánh bắt xa bờ cũng là một điểm nhấn của Thanh Trạch. Xã xác định xuất khẩu lao động là mũi nhọn, tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế ở quê nhà. Mỗi năm, Thanh Trạch có hơn 150 lao động được xuất khẩu ra nước ngoài. Số tiền của 1.000 con em xã Thanh Trạch đang lao động ở nước ngoài gửi về quê hằng năm khoảng 70 tỷ đồng. Nếu như mức thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 17 triệu đồng thì sau 5 năm xây dựng Nông thôn mới xã Thanh Trạch đã đạt 30 triệu đồng… Người dẫn chương trình cho buổi ra mắt tập thơ Bến cảng Linh Giang là anh Trần Đình Tĩnh, Giám đốc Công ty Compunhic Miền Trung. Anh sinh năm 1940, từng đi bộ đội, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng hai. Là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, Trần Đình Tĩnh được vinh dự gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 30 tháng 4 năm 2015. Sau buổi gặp mặt ấm áp ấy, Trần Đình Tĩnh đã làm bài thơ “Gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang” với lời lẽ mộc mạc thế này: Tưởng rằng quan cách cao xa / Nào ngờ thân thiện như là người thân / “Dân” cốt cách, “Lính” tinh thần / Bắt tay nồng ấm mười phân vẹn mười / Khoan dung tiếng nói nụ cười / Ký ức người lính đời đời không quên.
Dân quê tôi là thế đó, làm việc nghiêm ngắn, ham mê thơ ca, yêu đời lạc quan. Đúng như Chủ tịch xã Nguyễn Văn Lào nói với tôi: “Dân miềng nói ra nói, mần ra mần, chơi ra chơi anh hè. Nếu không thì làm sao xã miềng về đích trong Chương trình Nông thôn mới sau 5 năm thực hiện mà không nợ một đồng xu nào”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn