Doanh nghiệp mạnh cũng giảm
Không nhiều ngạc nhiên khi nửa đầu năm 2014, doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đều có mức tăng trưởng ấn tượng, bởi những khởi sắc về thị trường và yếu tố đầu vào; nhưng trái ngược lại, lợi nhuận của đa phần doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lớn) lại giảm so cùng kỳ năm trước.
Đầu tiên phải kể đến một “ông lớn” về cá tra là Công ty CP Hùng Vương. Quý II năm nay, doanh thu thuần của Công ty khoảng 3.680 tỷ đồng, tăng gần 40% so năm 2013; đưa doanh thu thuần 6 tháng đầu năm lên hơn 7.400 tỷ đồng, tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái; nhưng lợi nhuận sau thuế quý II chỉ 106 tỷ đồng, giảm 20%.
Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish) cũng không tránh khỏi cảnh này khi doanh thu giảm gần ½ so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận quý II năm nay của Công ty tiếp tục giảm. Báo cáo tài chính quý II của Agifish cho thấy, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt 585,7 tỷ đồng, giảm mạnh so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế, giảm hơn 10 lần so cùng kỳ năm trước và chỉ chiếm 0,7% doanh thu. Theo đại diện Agifish, lợi nhuận quý II của Công ty giảm mạnh do doanh số xuất khẩu vào Mỹ giảm 100%, tương đương 574 tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái.
Ở một khía cạnh khác, năm nay đa phần các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tiếp tục gặp khó khăn về giá và thị trường. Theo VASEP, 7 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt cao (trên 4,2 tỷ đồng), tăng so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên, thành công này do đóng góp lớn của mặt hàng tôm, còn các sản phẩm khác (nhất là cá tra, cá ngừ) giảm mạnh.
6 tháng, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thủy sản giảm mạnh
Nguyên nhân?
Theo Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe, doanh nghiệp thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Những doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp như trên hầu hết do “gánh” nhiều chi phí tài chính. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp, dẫn tới tình trạng bán ra thì nhiều mà lãi thu về ít.
Cũng theo lý giải của ông Hòe, mặc dù lợi nhuận thấp như vậy nhưng đây vẫn là điều đáng mừng; bởi, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các nhà nhập khẩu không muốn mua với giá cao nên để có được lợi nhuận, các doanh nghiệp phải rất chật vật. Do vậy, lợi nhuận thấp là điều khó tránh khỏi. Với các doanh nghiệp lớn hiện nay, đa phần đều có các vùng nuôi nguyên liệu riêng, giúp chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp phải mất khoản chi phí đầu tư cao. Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng như hiện nay thì chi phí đội lên khá lớn. Hơn nữa, theo nhìn nhận của nhiều nông dân, hiệu quả nuôi của doanh nghiệp không bằng người dân nuôi nhỏ lẻ, chi phí cũng cao hơn nhiều. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, chưa kể dịch bệnh tràn lan như thời gian vừa qua khiến hoạt động nuôi bị thua lỗ, quy mô càng lớn thì mức giảm lợi nhuận càng cao.
Đối với ngành tôm, đại diện Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: Do thị trường chủ lực Mỹ và EU vẫn khó khăn về kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác dẫn đến giá bán không cao; cùng đó, dịch bệnh chưa giảm và có xu hướng xảy ra trên diện rộng đã gây tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Để thu hút được nguyên liệu cho chế biến, các nhà máy đã phải tăng giá thu mua, khiến giá thành sản phẩm cao hơn, trong khi nhà nhập khẩu không muốn tăng giá mua.
Nhưng mặt khác, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt trội chưa hẳn đến từ mảng kinh doanh chính của đơn vị. Vì, nếu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính, sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng, chi phí bán hàng giảm thì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sẽ bền vững, tạo đà cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, năm nay tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp lại đến từ hoạt động khác. Điều này có vẻ hợp lý đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hiện nay.
>> Với nhiều doanh nghiệp, vấn đề còn bế tắc trong nguồn vốn và sử dụng vốn không đúng mục đích, khi doanh nghiệp “tích cực” đầu tư các dự án bên ngoài. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn