Phóng viên NTNN trao đổi với ông Trần Xuân Chính - Giám đốc Công ty Muối Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.
Thừa muối vẫn phải… nhập khẩu
Để bảo vệ quan điểm nhập khẩu muối, các DN tiêu thụ muối cho rằng, do muối trong nước chất lượng thấp, không đưa được vào sản xuất. Là doanh nghiệp chủ đạo của ngành muối Việt Nam, ông suy nghĩ gì về điều này?
- Đúng là ngành muối Việt Nam hiện nay đứng trước thực trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa là do muối làm ra không tiêu thụ được; thiếu ở đây là thiếu muối chất lượng cao, muối cho sản xuất công nghiệp. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta thừa khoảng 300.000 tấn muối, nhưng lượng muối cho công nghiệp lại thiếu khoảng 200.000 tấn.
Việc sản xuất muối vẫn chủ yếu là thủ công (chụp tại đồng muối Diễn Châu, Nghệ An). |
Nguyên nhân là do công nghệ sản xuất của chúng ta còn lạc hậu. Ngoại trừ ở Nam Trung Bộ đã có một số DN áp dụng việc trải bạt thay cho nền đất, công nghệ tương đối hiện đại; còn đa phần người dân vẫn làm thủ công, kẽo kẹt đẩy xe phơi cát để làm muối.
Muối sản xuất theo cách đó, chỉ sử dụng cho nhu cầu cấp thấp chứ không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng chất lượng được. Lý do là, muối của chúng ta có hàm lượng natri clorua (NaCl) thấp, bị lẫn tạp chất. Đó cũng là lý do chính khiến chúng ta không xuất khẩu được muối, mà còn phải nhập khẩu.
Mới đây, lãnh đạo Công ty Miwon Việt Nam có nói rằng, họ không tìm mua được muối chất lượng cao để làm nước mắm nên phải nhập khẩu. Liệu có phải trong nước không thể sản xuất được tấn muối nào đảm bảo chất lượng?
- Tôi không tin điều lãnh đạo Miwon nói. Với khối lượng hàng chục nghìn tấn, đúng là không đáp ứng được. Còn vài trăm tấn muối tinh chất lượng cao, họ hoàn toàn có thể mua được ở Nam Trung Bộ. Tuy nhiên do họ không tìm được kênh để đặt hàng.
Và cũng phải thừa nhận một điểm yếu của hạt muối Việt Nam là giá quá cao. Muối nước ngoài nhập về Việt Nam, tính tất cả phí vận chuyển, thuế không ưu đãi chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/tấn; còn muối sản xuất trong nước lại bán đến 1,8 triệu đồng/tấn.
Ở các nước, người ta làm muối đại trà trên một cánh đồng, có khi rộng bằng một huyện của chúng ta. Đến mùa thu hoạch, người ta sử dụng hoàn toàn bằng máy. Còn chúng ta cứ kẽo kẹt đẩy xe cút kít, sử dụng “lao động sống” nhiều, nên giá thành đắt hơn các nước. Vì vậy, mới có chuyện việc nhập khẩu muối diễn ra nhiều.
Cần thay đổi chính sách dự trữ muối
Phải chăng, việc nâng cao chất lượng hạt muối, phát triển ngành muối, đời sống diêm dân là quá khó với chúng ta?
- Về mặt kỹ thuật là không hề khó. Chúng ta chỉ cần làm hai việc là: Nước để đem phơi làm muối phải được lọc trong và nền phơi phải là nền bạt chứ đừng để nền đất như hiện nay. Việc sản xuất muối như vậy ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã bắt đầu thực hiện; tuy chưa đại trà nhưng đang lớn dần lên.
Từ muối sản xuất trên đồng, chúng ta cũng đang thực hiện công đoạn xay nhỏ và lọc các tạp chất để tạo ra muối tinh khiết. Lọc tạp chất, tức là rửa muối, dùng các biện pháp cơ học để lọc tạp chất. Tuy nhiên, nhiều khi đồng muối của diêm dân ở gần đường giao thông, gió thổi cát bay vào.
Khi muối kết tinh, hạt cát được “ngậm” trong lòng hạt muối. Vì thế, khi tinh chế muối rất khó loại bỏ được hết cát. Do đó, muốn sản xuất được muối tinh, cần phải thay đổi ngay từ khâu sản xuất như trên.
Với một nước có tới 3.200km bờ biển, tiềm năng sản xuất muối là rất lớn, song nước ta không những không xuất khẩu được muối, mà còn phải đi nhập. Vậy, chúng ta cần chính sách gì để “xoay chuyển” tình trạng này?
- Đúng vậy, đừng kỳ vọng muối Việt Nam có thể xuất khẩu trong vòng 5-10 năm nữa. Trước hết hãy đảm bảo nhu cầu trong nước, không phải nhập khẩu. Cái cần nhất là nâng cao khả năng sản xuất muối của người dân phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Trước hết cần hỗ trợ cho nhân dân vay vốn. Cùng với việc đó, các sở NNPTNT phải hỗ trợ kỹ thuật. Và việc cuối cùng là phải có doanh nghiệp lo đầu ra cho diêm dân.
Phải xác định, muối phải có sự giúp đỡ của Nhà nước thông qua các bộ chuyên ngành. Bộ NNPTNT phải quy hoạch lại vùng sản xuất để đầu tư nâng cao chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật. Bộ Công Thương phải tìm cách hạn chế nhập khẩu.
Thông qua hệ thống DN, Nhà nước phải có các hoạt động xã hội như mua tạm trữ, cung ứng muối cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai, cần thay đổi ngay trong cách dự trữ muối. Hiện nay, ngân sách chỉ mua muối để dự trữ, chỉ xuất ra khi có thiên tai lũ lụt. Theo tôi, nên làm theo cách: Khi được mùa, Nhà nước cần mua dự trữ, khi mất mùa cần bán ra để điều tiết cung - cầu; có nghĩa là kết hợp chức năng dự trữ và chức năng điều tiết. Điều đó tưởng như là hiển nhiên nhưng chúng ta vẫn chưa làm.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Sỹ Lực
Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn