Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra việc sản xuất và xuất khẩu tại vùng vài thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: V.H |
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2018 Chính phủ giao các chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp ở mức độ rất cao, tăng trưởng phải đạt 3,05%, xuất khẩu nông sản từ 38 – 40 tỷ USD, đảm bảo 38% số xã đạt chuẩn nông thôn mới… Bằng sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương tới địa phương và bà con nông dân, sau 6 tháng đầu năm 2018, cơ bản các mục tiêu đã hoàn thành.
Ví dụ, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp ở mức 4%, xuất khẩu nông sản đạt 19,4 tỷ USD tăng tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, ngành nông nghiệp sẽ “cán mốc” xuất khẩu trên 40 tỷ USD trong năm 2018.
Lý giải về việc xuất khẩu nông sản tăng trưởng tốt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu này vấn đề thị trường. Từ đầu năm, ngành Nông nghiệp đã tập trung nhiều nhóm giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ như: Mở rộng, khai thác, sắp xếp thị trường…
Bên cạnh đó, liên bộ NN&PTNT - Công thương đã tăng cường hơn công tác phát triển thị trường, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… mà đang tập trung nghiên cứu phát triển thêm các thị trường mới còn dư địa như: Asian, Ấn Độ… để xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc đang trở lại và gây ra bất ổn thị trường và đặt ra những thách thức cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm 2018. Trong đó, lúa gạo khó giữ giá ở mức cao như giai đoạn đầu năm do tình hình sản xuất lúa gạo thế giới tăng trưởng khá, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước có xu hướng giảm.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, từ nay tới cuối năm vẫn còn một chặng đường dài, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai thường xảy ra vào những tháng cuối năm. Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu tác động thường xuyên, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu chủ động. Vì vậy, ngành Nông nghiệp một mặt quyết tâm thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra về tăng trưởng, xuất khẩu, nông thôn mới… Mặc khác, có chương trình hành động cụ thể để thích ứng với thiên tai.
Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su), Trung Quốc (đối với rau quả, cao su, thủy sản), Đức (đối với chè, thủy sản, hạt điều), Malaysia (đối với gạo, chè), Iraq, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines (đối với gạo), Saudi Arabia (đối với chè), Mỹ (đối với hạt điều, rau quả, gạo), Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu). |